22/08/2023 10:23

Người bị tạm giữ, tạm giam chết hoặc bỏ trốn thì giải quyết thế nào?

Người bị tạm giữ, tạm giam chết hoặc bỏ trốn thì giải quyết thế nào?

Tôi muốn hỏi người bị tạm giữ, tạm giam là gì? Nếu người bị tạm giữ, tạm giam chết hoặc bỏ trốn thì giải quyết thế nào?_Thanh Lưu(Cà Mau)

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Người bị tạm giam, người bị tạm giữ là gì?

- Người bị tạm giữ là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật thi hành tạm giam giữ, tạm giam 2015 thì người bị tạm giữ là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giữ, gia hạn tạm giữ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Theo đó khoản 1 Điều 59 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định người bị tạm giữ là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ.

- Người bị tạm giam là gì?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật thi hành tạm giam giữ, tạm giam 2015 thì người bị tạm giam là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giam, gia hạn tạm giam theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, bao gồm bị can; bị cáo; người bị kết án phạt tù, người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc đang chờ thi hành án; người bị tạm giam để thực hiện việc dẫn độ.

Như vậy, người bị tạm giữ là những người vi phạm pháp luật nhưng chưa có quyết định khởi tố vụ án hình sự, bị giữ lại để phục vụ công tác điều tra trong một thời gian ngắn. Đối với người bị tạm giam là những người đã bị khởi tố vụ án hình sự, có quyết định tạm giam của VKS hoặc Tòa án và thời hạn tạm giam có thể kéo dài.

2. Giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam bỏ trốn

Giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam bỏ trốn được quy định tại Điều 25 Luật thi hành tạm giam giữ, tạm giam 2015 cụ thể:

- Khi người bị tạm giữ, người bị tạm giam bỏ trốn, thủ trưởng cơ sở giam giữ phải tổ chức truy bắt ngay, lập biên bản; đồng thời, thông báo ngay cho cơ quan đang thụ lý vụ án và VKS có thẩm quyền phối hợp xử lý. Mọi trường hợp bỏ trốn đều phải được áp dụng các biện pháp truy bắt, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

 - Người bị tạm giữ, người bị tạm giam đã bỏ trốn ra đầu thú thì cơ quan tiếp nhận lập biên bản, báo ngay cho cơ quan đang thụ lý vụ án và cơ sở giam giữ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Như vậy, khi phát hiện có người bỏ trốn, Thủ trưởng cơ sở giam giữ có trách nhiệm tổ chức lực lượng truy bắt ngay lập tức, đồng thời thông báo kịp thời đến các cơ quan liên quan và VKS để phối hợp xử lý. Mọi trường hợp đều phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo đúng quy định pháp luật nhằm răn đe hành vi bỏ trốn, gây mất an ninh trật tự. Đối với người đầu thú, cũng phải có trách nhiệm thông báo kịp thời đến các cơ quan chức năng để điều tra, xử lý. Quy định này thể hiện sự khoan hồng của pháp luật đối với người vi phạm khi tự giác đầu thú.

3. Giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết

Giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết được quy định tại Điều 26 Luật thi hành tạm giam giữ, tạm giam 2015 cụ thể:

- Trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam thì:

+ Thủ trưởng cơ sở giam giữ phải tổ chức bảo vệ hiện trường, thông báo ngay cho Cơ quan điều tra và VKS có thẩm quyền để tiến hành xác định nguyên nhân chết;

+ Thông báo cho thân nhân, người đại diện hợp pháp của người chết;

+ Đại diện cơ sở giam giữ phải chứng kiến việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi;

Lưu ý: Trường hợp người chết là người nước ngoài thì việc thông báo cho cơ quan lãnh sự và thân nhân, người đại diện hợp pháp của họ do cơ quan đang thụ lý vụ án thực hiện.

- Cơ sở giam giữ làm thủ tục khai tử theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

- Khi Cơ quan điều tra và VKS đồng ý cho làm các thủ tục an táng người chết thì cơ sở giam giữ có trách nhiệm thông báo cho thân nhân của người chết.

+ Trường hợp thân nhân người chết có văn bản yêu cầu thì bàn giao thi hài đó cho họ, trừ trường hợp có căn cứ cho rằng việc đó ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và vệ sinh môi trường. Sau thời hạn 24 giờ kể từ khi thông báo mà họ không nhận thì cơ sở giam giữ có trách nhiệm tổ chức an táng.

+Trường hợp thân nhân của người chết có đơn đề nghị được nhận tro cốt hoặc hài cốt sau khi an táng thì thủ trưởng cơ sở giam giữ trao đổi với chính quyền địa phương giải quyết theo quy định của pháp luật. Việc an táng phải tuân thủ quy định của Bộ Y tế và của chính quyền địa phương.

- Người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam chết thì giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam là thành viên hoặc theo thỏa thuận quốc tế hoặc sự thỏa thuận trực tiếp về từng trường hợp cụ thể giữa CHXHCN Việt Nam với nước có người bị tạm giữ, tạm giam chết.

Lưu ý: Trường hợp chưa có điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế tương ứng hoặc giữa CHXHCN Việt Nam với nước có người bị tạm giữ, tạm giam chết không thoả thuận thống nhất được về giải quyết trường hợp cụ thể hoặc không xác định được quốc tịch của người chết thì giải quyết như đối với người Việt Nam bị tạm giữ, tạm giam chết.

- Kinh phí liên quan tới việc an táng do ngân sách nhà nước bảo đảm. Cụ thể theo hướng dẫn bởi Điều 10 Nghị định 120/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 1 Nghị định 113/2021/NĐ-CP  như sau:

+ Khi người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết, kinh phí bảo đảm việc khâm liệm gồm: Tiền mua 01 quan tài bằng gỗ thường, 01 bộ quần áo dài và 01 bộ quần áo lót mới, 04 m2 vải liệm, hương, nến, cồn làm vệ sinh và khoản tiền chi phí khác tương đương 100 kg gạo tẻ.

+ Cơ sở giam giữ tổ chức an táng cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết, bằng hình thức địa táng hoặc hỏa táng.

+ Trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết mà thân nhân nhận thi hài về an táng thì được hỗ trợ kinh phí vận chuyển thi hài và chi phí an táng trị giá tương đương 200 kg gạo tẻ.

+ UBND các cấp có trách nhiệm bố trí quỹ đất phù hợp và phối hợp với cơ sở giam giữ tổ chức an táng, làm thủ tục khai tử cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết theo quy định của pháp luật.

- Người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết mà trước đó đã có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội hoặc đang được hưởng lương hưu thì chế độ tử tuất giải quyết theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

Như vậy, khi xảy ra trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam chết thì Thủ trưởng, người đại diện cơ sở giam giữ sẽ bảo vệ hiện trường, thông báo cơ quan chức năng liên quan để tiến hành điều tra, khám nghiệm, làm các thủ tục cần thiết về an táng, hỗ trợ kinh phí và báo tin cho thân nhân nạn nhân. Đối với người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam chết thì áp dụng theo các điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia.

Hứa Lê Huy
2345

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn