16/11/2018 15:43

Người bị kết án có được yêu cầu giữ bí mật một số thông tin trong việc công bố bản án?

Người bị kết án có được yêu cầu giữ bí mật một số thông tin trong việc công bố bản án?

Có rất nhiều thắc mắc liên quan đến vấn đề đăng tải bản án lên Cổng thông tin điện tử của Tòa án. Liên quan đến vấn đề này một số quy định của TANDTC được thông qua các văn bản quy phạm pháp luật như: Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP về việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua ngày 17/02/2017 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2017 và Công văn 144/TANDTC-PC ngày 4/7/2017 của TANDTC  hướng dẫn cụ thể việc thi hành Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP.

Sau đây, chúng tôi xin được giới thiệu một số quy định cụ thể như sau:

Điều kiện công bố hay không công bố bản án

Theo Điều 3 Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP những bản án, quyết định được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án bao gồm:

- Bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị; bản án phúc thẩm; quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm giải quyết các vụ án hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.

- Quyết định giải quyết việc dân sự có hiệu lực pháp luật, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm giải quyết việc dân sự.

- Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản; quyết định giải quyết đơn đề nghị, kháng nghị quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.

- Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật.

- Về những bản án, quyết định không công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án, quy định tại Điều 4 như sau:

- Bản án, quyết định về vụ việc được Tòa án xét xử kín.

- Bản án, quyết định về vụ việc được Tòa án xét xử, giải quyết công khai nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Có chứa đựng nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước theo quy định của Chính phủ hoặc chứa đựng những nội dung mà Nhà nước chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

+ Có chứa đựng thông tin về hoạt động đầu tư tài chính, bí quyết nghề nghiệp, công nghệ chưa được bộc lộ, có thể được sử dụng và tạo lợi thế trong kinh doanh mà trong quá trình Tòa án xét xử, giải quyết vụ việc, người tham gia tố tụng đã có yêu cầu được giữ bí mật;

+ Có chứa đựng nội dung ảnh hưởng xấu đến truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư;

+ Có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi;

+ Có chứa đựng nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chưa được mã hóa theo hướng dẫn tại Điều 7 của Nghị quyết này.

- Bản án, quyết định của Tòa án chưa có hiệu lực pháp luật cũng không được công bố.

Hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị quyết số 03

Công văn 144/TANDTC-PC ngày 4/7/2017 của TANDTC đã hướng dẫn khá cụ thể việc thi hành Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP.

* Về bản án, quyết định được công bố hoặc không công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án

Việc xác định bản án, quyết định thuộc trường hợp được công bố hay không được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án phải căn cứ vào các điều 2, 3 và 4 của Nghị quyết, trong đó cần lưu ý:

- Về bản án, quyết định có chứa đựng nội dung thuộc danh mục bí mật Nhà nước

Để xác định bản án, quyết định có chứa đựng nội dung thuộc danh mục bí mật Nhà nước không được công bố theo hướng dẫn tại điểm a khoản 2 Điều 4 Nghị quyết thì phải căn cứ vào Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2000; Nghị định 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước; Thông tư 33/2015/TT-BCA ngày 20-7-2015 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 33/2002/NĐ-CP; các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật của các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương; các Quyết định, Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương và các quy định khác của pháp luật về bí mật nhà nước; trong đó, theo quy định tại Quyết định 01/2004/QĐ-TTg ngày 5/1/2004 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật của Tòa án nhân dân thì không công bố những bản án, quyết định liên quan đến việc xét xử các vụ án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia.

- Về bản án, quyết định có nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình

Các bản án, quyết định của Tòa án đã được mã hóa theo hướng dẫn tại Điều 7 của Nghị quyết và mục 2 của Công văn này thì các thông tin liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình đã được bảo đảm và việc công bố bản án, quyết định đó trên Cổng thông tin điện tử không vi phạm quy định về bảo đảm bí mật cá nhân, bí mật gia đình.

- Về bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật được công bố

Theo hướng dẫn tại Điều 3 của Nghị quyết thì bản án, quyết định được công bố phải là bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; những bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị (bị kháng cáo, kháng nghị toàn bộ hoặc một phần) thì không được công bố.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-7-2017; do đó, Chủ tọa phiên tòa, phiên họp phải công bố bản án, quyết định thuộc trường hợp được công bố về những vụ việc mà Tòa án xét xử, giải quyết kể từ ngày 01-7-2017 trở đi. Tòa án có thể lựa chọn, công bố những bản án, quyết định có tính mẫu mực được ban hành trước ngày 01-7-2017 nhưng việc công bố phải bảo đảm thực hiện đúng hướng dẫn tại Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán.

* Về mã hóa thông tin trong bản án, quyết định của Tòa án

Việc mã hóa thông tin trong bản án, quyết định của Tòa án phải sử dụng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt (A, B, C …), có thể kết hợp với số tự nhiên (1, 2, 3 …) trong những trường hợp cần thiết và thực hiện theo đúng hướng dẫn tại Điều 7 của Nghị quyết. Các thông tin được mã hóa phải bảo đảm không trùng lặp, không gây nhầm lẫn cho người đọc, không làm thay đổi nội dung của bản án, quyết định.

- Đối với những người tham gia tố tụng có vai trò quan trọng trong vụ án (như: bị cáo, bị hại trong vụ án hình sự; nguyên đơn, bị đơn trong vụ án dân sự; người khởi kiện, người bị kiện trong vụ án hành chính) thì việc mã hóa tên của cá nhân, pháp nhân, cơ quan, tổ chức nên sử dụng ký tự đầu tiên trong tên của cá nhân, pháp nhân, cơ quan, tổ chức đó.

Ví dụ: Bị cáo Nguyễn Văn An được mã hóa thành “Nguyễn Văn A”; bị cáo Phạm Đức Hùng được mã hóa thành “Phạm Đức H”; Bị hại Nguyễn Văn Tâm được mã hóa thành “Nguyễn Văn T”; bị hại Nguyễn Đức Minh được mã hóa thành “Nguyễn Đức M”.

Tương tự như vậy, nguyên đơn Nguyễn Văn Bảo được mã hóa thành “Nguyễn Văn B”; nguyên đơn Phạm Đức Lộc được mã hóa thành “Phạm Đức L”; Bị đơn Trần Thế Bách được mã hóa thành “Trần Thế B”; bị đơn Nguyễn Văn Yêm được mã hóa thành “Nguyễn Văn Y”; Người bị kiện trong vụ án hành chính là Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội được mã hóa thành “UBND quận H, Thành phố Hà Nội”.

Trường hợp có từ 2 người tham gia tố tụng trở lên trùng tên hoặc chữ cái đầu tiên của tên nhưng khác họ thì có thể mã hóa bằng cách giữ nguyên họ, tên đệm (nếu có) và lấy chữ cái đầu tiên trong tên của họ; nếu trùng cả họ, tên đệm (nếu có) và chữ cái đầu tiên của tên thì có thể mã hóa bằng cách giữ nguyên họ, tên đệm (nếu có) và sử dụng chữ cái đầu tiên của tên kết hợp với số tự nhiên.

Ví dụ: Trong vụ án có 2 nguyên đơn là Nguyễn Văn Tâm và Trần Văn Tâm thì có thể mã hóa thành “Nguyễn Văn T” và “Trần Văn T”; Trong vụ án có 3 bị cáo là Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Hà và Nguyễn Văn Hưng thì có thể mã hóa thành “Nguyễn Văn H1”, “Nguyễn Văn H2 ” và “Nguyễn Văn H3”.

- Đối với những người tham gia tố tụng khác có cùng địa vị pháp lý (như: người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng…) thì có thể chia thành các nhóm có cùng địa vị pháp lý và sử dụng các chữ cái viết tắt địa vị pháp lý của họ, kết hợp với số tự nhiên để mã hóa.

Ví dụ: Trường hợp có nhiều người là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính thì có thể mã hóa thành NLQ1, NLQ2, NLQ3…; Trường hợp có nhiều người là người làm chứng thì có thể mã hóa thành NLC1, NLC2, NLC3…

* Về phổ biến quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng

Việc phổ biến và giải quyết quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) và hướng dẫn tại Điều 5 của Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP. Khi phổ biến quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, Chủ tọa phiên tòa phải thông báo cho họ biết bản án, quyết định giải quyết vụ việc mà họ là người tham gia tố tụng thuộc diện được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án và quyền của họ được yêu cầu giữ bí mật một số thông tin theo quy định của pháp luật.

Yêu cầu về giữ bí mật của người tham gia tố tụng có thể được thực hiện trước khi mở phiên tòa, phiên họp hoặc tại phiên tòa, phiên họp;

Yêu cầu về giữ bí mật của người tham gia tố tụng trước khi mở phiên tòa, phiên họp phải được làm bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do để Tòa án xem xét.

Trường hợp người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa, phiên họp và Tòa án xét xử vắng mặt họ theo quy định của pháp luật mà người vắng mặt không có văn bản yêu cầu Tòa án giữ bí mật thông tin thì được xác định là họ không yêu cầu giữ bí mật thông tin.

Việc phổ biến quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng; yêu cầu của người tham gia tố tụng về công bố hoặc không công bố bản án, quyết định phải được ghi vào biên bản phiên tòa, phiên họp.

* Về trách nhiệm gỡ bỏ bản án, quyết định đã công bố và giải quyết khiếu nại

Trường hợp bản án, quyết định đã công bố nhưng thuộc trường hợp không được công bố hoặc được công bố không chính xác thì Chánh án Tòa án nơi giải quyết vụ việc có trách nhiệm xem xét, quyết định việc gỡ bỏ bản án, quyết định đó.

Khiếu nại trong việc công bố bản án, quyết định giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, phá sản, áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân là khiếu nại tư pháp và được thực hiện theo quy định tương ứng về giải quyết khiếu nại trong tố tụng quy định tại Chương XXXIII Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (Chương XXXV Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015), Chương XXI Luật Tố tụng hành chính và Chương XLI Bộ luật Tố tụng dân sự hoặc áp dụng tương tự pháp luật để giải quyết. Theo đó, khiếu nại về việc công bố bản án, quyết định của Chủ tọa phiên tòa, phiên họp do Chánh án Tòa án nơi giải quyết vụ việc xem xét; trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án Tòa án đó thì có quyền khiếu nại lên Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp. Quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án Tòa án cấp trên một cấp là quyết định cuối cùng.

Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các Chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp, thủ trưởng các đơn vị thuộc TANDTC tổ chức quán triệt và triển khai những nội dung hướng dẫn này tới các Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án trong cơ quan, đơn vị mình.

Loan Đỗ
1743

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]