27/12/2022 16:14

Ngược đãi, hành hạ vợ/chồng, truy cứu TNHS thế nào?

Ngược đãi, hành hạ vợ/chồng, truy cứu TNHS thế nào?

Gần đây, tôi đọc báo thấy nhiều trường hợp chồng ngược đãi, hành hạ vợ của mình. Vậy hành vi này thì bị xử phạt thế nào? “Minh Hà-Quãng Ngãi”

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp thắc mắc của chị như sau:

1. Thế nào là hành hạ vợ/chồng?

Tại Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:

"Điều 185. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình

1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;

b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo."

Mặt khác, theo hướng dẫn tại Mục II Chương IV Nghị quyết Số: 04-HĐTPTANDTC/NQ Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự thì:

“2. Tội ngược đãi nghiêm trọng hoặc hành hạ cha mẹ, vợ chồng, con cái (Điều 147).

Ngược đãi nghiêm trọng thường biểu hiện bằng việc đối xử tồi tệ, như: thường xuyên mắng chửi, xỉ vả, để đói rách, để ở nơi khổ cực, mặc dù có điều kiện khá hơn, gây đau khổ về tinh thần.

Hành hạ thường được biểu hiện bằng việc đối xử tàn ác như: đánh đập, bắt làm việc nặng nhọc quá sức, gây đau khổ về thể chất, nhưng chưa đến mức gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe.

Sự phân biệt giữa “ngược đãi nghiêm trọng” với “hành hạ” chỉ là tương đối, vì trong thực tế có trường hợp hai mặt đó khó phân biệt rõ ràng hoặc quyện vào nhau. Do đó, tùy trường hợp cụ thể của hành vi phạm tội và mối quan hệ giữa người phạm tội với nạn nhân mà định tội là “tội ngược đãi nghiêm trọng…” hay “tội hành hạ…” hoặc định một tội chung là hành hạ và ngược đãi…”

2. Các dấu hiệu của tội ngược đãi, hành hạ vợ/chồng

Chủ thể của tội phạm:

Về độ tuổi: Tội ngược đãi hoặc hành hạ vợ chồng là tội phạm ít nghiêm trọng nên những người từ đủ 16 tuổi trở lên có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.

Về năng lực chịu TNHS: Chủ thể của tội này phải là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự bao gồm năng lực nhận thức và năng lực làm chủ hành vi.

Đồng thời, chủ thể của tội này phải là người có quan hệ hôn nhân (vợ, chồng) đối với người bị hại.

Khách thể của tội phạm:

Tội ngược đãi hoặc hành hạ vợ chồng xâm phạm đến quan hệ gia đình, xâm phạm thuần phong, mỹ tục trong quan hệ gia đình truyền thông, ngoài ra còn xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của người bị hại, xâm phạm đến quan hệ pháp luật hôn nhân gia đình được nhà nước bảo vệ, gây dư luận bất bình trong quần chúng nhân dân.

Mặt chủ quan của tội phạm:

Về lỗi: Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người thân và mong muốn thực hiện hành vi đó.

Về mục đích, động cơ: Các dấu hiệu về mục đích, động cơ phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.

Mặt khách quan của tội phạm:

Về hành vi: Có hành vi ngược đãi hoặc hành hạ vợ, chồng như đối cử tệ về ăn, mặc, ở và các mặt sinh hoạt hàng ngày khác đối với vợ/chồng; hành vi bạo lực xâm phạm thân thể người bị hại như: đánh đập, giam hãm,… làm cho người bị hại bị đau đớn về thể xác và tinh thần…

Về hậu quả: Làm cho người bị ngược đãi, hành hạ luôn luôn bị giày vò về mặt tình cảm, bị tổn thất về danh dự, đau khổ về tinh thần hoặc bị thương tích, tổn hại đến sức khỏe.

Trong trường hợp gây thương tích, tổn hại sức khoẻ hoặc chết người thì tùy trường hợp có thể cấu thành tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 BLHS), Vô ý làm chết người (Điều 128 BLHS), Giết người (Điều 123 BLHS) hoặc Bức tử (Điều 130 BLHS).

Hậu quả của tội phạm này là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.

3. Trách nhiệm hình sự đối với tội hành hạ vợ/chồng

- Phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm với trường hợp sau:

+ Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

- Phạt tù từ 02 năm đến 05 năm với trường hợp sau:

+ Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

4. Một số bản án thực tế về tội hành hạ vợ/chồng

Bản án về tội hành hạ vợ chồng số 35/2021/HS-ST

Trích dẫn nội dung: Bị cáo Nguyễn Văn H và chị Nguyễn Thị M kết hôn vào năm 1990. Trong quá trình chung sống, khoảng 10 năm trở lại đây, sau mỗi lần uống rượu, bia Nguyễn Văn H thường xuyên có hành vi đánh đập vợ là chị M, gây thương tích cho chị M, làm cho chị M sợ hãi, nhiều lần phải chạy trốn khỏi nhà. Vào tối ngày 25/02/2021, sau khi đã uống rượu, Nguyễn Văn H đã dùng tay, chân đánh chị M và dùng 01 con dao dài 22,5cm, cán bằng gỗ dí vào cổ bên phải của chị M gây thương tích cho chị M. Do sợ bị chồng đánh tiếp nên sáng ngày 26/02/2021, chị M sang nhà hàng xóm là chị Nguyễn Thị H để xin ở nhờ. Do bị bệnh tim nên chị M đã tử vong vào chiều ngày 28/02/2021.

Hình phạt: Xử phạt bị cáo H 30 (Ba mươi) tháng tù. 

Bản án về tội hành hạ vợ số 24/2021/HS-ST

Trích dẫn nội dung: Ngày 03/01/2021 H đi uống rượu về thì xảy ra cãi chửi nhau với vợ là chị Nguyễn Thị H2, cho rằng chị H2 có nói những lời khó nghe, xúc phạm mình nên H bực tức tìm kiếm đồ vật để đánh chị H2, thấy vậy chị H2 bỏ chạy sang nhà mẹ, H chạy đuổi theo ra đến ngoài sân thì nhặt chiếc chổi làm bằng cọng lá dừa vụt trúng tay phải của H2 gây thương tích. Sau đó, H nhặt lấy một đoạn gỗ dài 90,5cm đường kính 3cm đi vào trong nhà và gây thương tích cho bà H3 (mẹ H2).

Hình phạt: Xử phạt bị cáo Ngô Ngọc H 04 tháng 01 ngày tù.

Trân trọng!

Như Ý
3645

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn