Quy định pháp luật
Đối với vụ án hôn nhân và gia đình thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xem là quy định đặc thù riêng và người xin ly hôn là người phải có nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm, không phụ thuộc vào yêu cầu của nguyên đơn có được chấp nhận hay không chấp nhận. Tuy nhiên, trường hợp thuận tình ly hôn thì nghĩa vụ chịu án phí của nguyên đơn và bị đơn với mức án phí là bao nhiêu và trong trường hợp công nhận thuận tình ly hôn tại phiên tòa sẽ có nghĩa vụ như thế nào là chưa cụ thể, rõ ràng.
Theo khoản 4 Điều 147 BLTTDS năm 2015 quy định “… Trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa án phí sơ thẩm” và được cụ thể hóa tại điểm a khoản 5 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (viết tắt Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14) quy định “… Trường hợp thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu 50% mức án phí”.
Cụm từ “phải chịu một nửa án phí sơ thẩm” trong đó án phí sơ thẩm theo quy định tại Điều 6 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 tức là án phí không có giá ngạch là 300.000 đồng và khoản 4 Điều 147 BLTTDS năm 2015 là 300.000 đồng, mỗi bên chịu một nữa án phí sơ thẩm (tức là nguyên đơn 50% tương ứng số tiền 150.000 đồng, bị đơn 50% tương ứng số tiền là 150.000 đồng).
Tại Công văn 72/TANDTC-PC ngày 11/4/2017 của TANDTC hướng dẫn thống nhất áp dụng quy định về án phí trong vụ án ly hôn “Quy định tại khoản 4 Điều 147 BLTTDS năm 2015 và điểm a khoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 là kế thừa và giữ nguyên quy định tại khoản 1 Điều 131 BLTTDS năm 2004. Do không có sự thay đổi về nội dung của luật, Hội đồng Thẩm phán TANDTC chưa có hướng dẫn khác nên đối với vụ án ly hôn mà các bên đương sự thuận tình ly hôn thì áp dụng tương tự tại khoản 2 Điều 16 Nghị quyết 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/6/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án, cụ thể trong vụ án ly hôn mà các bên đương sự thuận tình ly hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình thì xem là các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa và các bên đương sự phải chịu 50% mức án phí quy định (mỗi bên phải chịu 25% mức án phí quy định).
Ví dụ thực tiễn, tại Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 169/2020/QĐST-HNGĐ ngày 14/8/2020 của Tòa án nhân dân huyện TC, tỉnh TV, công nhận sự thuận tình ly hôn giữa nguyên đơn anh Nguyễn Văn Sang với chị Nguyễn Thị Mỹ Tiên, về án phí dân sự sơ thẩm 150.000 đồng, anh Nguyễn Văn Sang chịu 75.000 đồng, bị đơn chịu 75.000 đồng.
Trong tài liệu giải đáp vướng mắc về pháp luật và giải quyết vụ án, vụ việc hình sự, dân sự, hành chính của Vụ pháp chế và quản lý khoa học của VKSNDTC, nhà xuất bản tư pháp năm 2020, “Câu 62 trả lời việc tính án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án hôn nhân và gia đình mà hai bên đương sự thỏa thuận thuận tình ly hôn được thực hiện như sau: Vụ án hôn nhân và gia đình mà hai bên đương sự thuận tình ly hôn có 02 trường hợp, tùy từng trường hợp mà áp dụng quy định về mức án phí và người chịu án phí và người chịu án phí, cụ thể sau
Trường hợp 1: Vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn và không có tranh chấp về tài sản, con cái
(1) Trường hợp trước khi mở phiên tòa, Tòa án hòa giải đoàn tụ, hai bên đương sự không đoàn tụ mà lại thuận tình ly hôn thì áp dụng đồng thời tại khoản 3 và khoản 4 Điều 147 BLTTDS năm 2015, khoản 7 Điều Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 để giải quyết. Theo đó, “Các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí (khoản 3 Điều 147 BLTTDS năm 2015, khoản 7 Điều Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14). Tức là mỗi bên đương sự phải chịu 50% của 300.000 đòng bằng 150.000đồng/mỗi bên.
Do đây là trường hợp vụ án ly hôn mà cả hai thuận tình ly hôn nên cần áp dụng quy định tại khảon 4 Điều 147 BLTTDS năm 2015 và điểm a khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, theo đó, mỗi bên đương sự phải chịu 50% mức án phí, tức là 50% của 150.000.000 đồng bằng 75.000 đồng/mỗi bên đương sự.
Theo hướng dẫn tại Công văn 72/TANDTC-PC ngày 11/4/2017 thì trường hợp tại phiên tòa, hai bên đương sự mới thuận tình ly hôn thì họ vẫn phải chịu toàn bộ án phí là 300.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 thì mỗi bên đương sự phải chịu 50% mức án phí, tức là 50% của 300.000 đồng bằng 150.000 đồng bên đương sự”.
Quan điểm của VKSNDTC đồng tình với TANDTC trong trường hợp thuận tình ly hôn mỗi bên chỉ chịu 25% án phí (75.000 đồng/một bên) và mức án phí ở đây hiểu là án phí trước khi mở phiên tòa theo khoản 3 Điều 147 và khoản 7 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 (tức mỗi bên chỉ chịu 25% mức án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch) là hướng dẫn mâu thuẫn với quy định của khoản 4 Điều 147 BLTTDS năm 2015 và điểm a khoản 5 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14
Đối với khoản 4 Điều 147 BLTTDS năm 2015 và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 nghĩa vụ chịu án phí thuận tình ly không quy định trước khi mở phiên tòa và tại phiên tòa, nhưng quan điểm của VKSNDTC lại cho rằng án phí thuận tình ly hôn nếu tại phiên tòa thì mỗi bên đương sự phải chịu 50% mức án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch (150.000 đồng/một bên đương sự) trong khi đó thực tiễn áp dụng giải quyết thuận tình ly hôn tại phiên tòa thì Tòa án buộc nguyên đơn có nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm là 300.000 đồng như trường hợp quy định án phí của vụ án dân sự xét xử.
Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 40/2020/QĐST-HNGĐ ngày 30/6/2020 của TÀND huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang, giải quyết thuận tình ly hôn tại phiên tòa, giữa chị Trần Thị Thúy L với bị đơn Huỳnh Thanh S; Về án phí chị L phải chịu 300.000 đồng án phí hôn nhân và gia đình sơ thẩm, anh S không phải chịu án phí hôn nhân và gia đình sơ thẩm.
Việc quy định án phí dân sự sơ thẩm thuận tình ly hôn chưa rõ ràng, đối với quan điểm của TANDTC thì không đề cập đến trường hợp thuận tình ly hôn tại phiên tòa và Nghị quyết 01/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của TANDTC ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự cũng không ban hành mẫu tố tụng với trường hợp công nhận thuận tình ly hôn tại phiên tòa, nên khi vụ án đưa ra xét xử đương sự có thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án hay thỏa thuận được phần hôn nhân thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được thực hiện theo quy định theo khoản 4 Điều 26 BLTTDS năm 2015 “Trong vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn” và điểm a khoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 “Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án ly hôn không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn”. Tuy nhiên, quan điểm của VKSNDTC cho rằng công nhận thuận tình ly hôn tại phiên tòa thì mỗi bên có nghĩa vụ chịu án phí bằng 150.000 đồng mâu thuẫn với quan điểm của TANDTC và thực tiễn xét xử cũng như quy định của pháp luật.
Đề xuất, kiến nghị
Để áp dụng pháp luật thống nhất về nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án hôn nhân và gia đình trường hợp thuận tình ly hôn, tác giải đề xuất một số vấn đề cần sửa đổi như sau:
Đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 147 BLTTDS năm 2015: “Trường hợp thuận tình ly hôn trước khi mở phiên tòa thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa án phí sơ thẩm quy định tại khoản 3 Điều này, tại phiên tòa thì nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm”.
Đề xuất sửa điểm a khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14: “Trong vụ án ly hôn mà các bên đương sự thuận tình ly hôn trong trường hợp Tòa án tiến hành hoà giải trước khi mở phiên tòa thì mỗi bên đương sự phải chịu 50% mức án phí quy định tại khoản 7 Điều 26 Nghị quyết này. Trường hợp, thuận tình ly hôn tại phiên tòa thì nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm”.
Nguồn: Tạp chí Tòa án