28/12/2018 15:55

Nghĩa vụ cấp dưỡng có giống nghĩa vụ trả tiền?

Nghĩa vụ cấp dưỡng có giống nghĩa vụ trả tiền?

Trong thực tiễn, không phải lúc nào người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con cũng thực hiện theo đúng quyết định của Tòa án. Vậy, nghĩa vụ cấp dưỡng có giống nghĩa vụ trả tiền và trong trường hợp bố (mẹ) chậm cấp dưỡng thì có phải chịu lãi suất hay không?

Hiện nay có nhiều ý kiến trái chiều đối với vấn đề này:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, nghĩa vụ cấp dưỡng chính là nghĩa vụ trả tiền và việc chậm trễ trong nghĩa vụ cấp dưỡng thì phải trả lãi suất đối với số tiền chậm cấp dưỡng.

Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng. Tuy nhiên, quan hệ cấp dưỡng thường được Tòa án giải quyết trong các vụ án hôn nhân và gia đình là giữa cha hoặc mẹ với con. Trong thực tiễn, không phải lúc nào người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con cũng thực hiện theo đúng quyết định của Tòa án.

Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần (Theo Điều 117 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Nghĩa vụ thực hiện theo định kỳ theo thỏa thuận, theo quy định của pháp luật hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Việc chậm thực hiện nghĩa vụ theo từng kỳ cũng bị coi là chậm thực hiện nghĩa vụ (Điều 282 Bộ luật Dân sự). Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ được quy định tại Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:

“1. Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả; 2. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này.”

Như vậy, nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện bằng tiền nên chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cũng có tính chất như chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền nên người chậm thực người chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ theo quy định pháp luật. Do đó người có nghĩa vụ phải chịu tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ quy định về trách nhiệm chậm thực hiện nghĩa vụ “trả tiền” tại Điều 357 mà không có quy định nào khác về chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nên Tòa án buộc người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng với với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 là không đúng.

Cuj thể tại khoản 1, Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

“Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả”.

Như vậy, Điều 357 không có quy định phải trả lãi đối với những nghĩa vụ khác được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015.

Hơn nữa việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng không thể xem giống như nghĩa vụ trả tiền, bởi lẽ nếu tương đồng thì nhà làm luật đã không phải phân biệt “nghĩa vụ cấp dưỡng” với “nghĩa vụ trả tiền”.  Do đó, chúng ta cũng không thể xem việc chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cũng có tính chất như chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền, nên người chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng không phải chịu tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Và theo Luật Hôn nhân gia đình năm 2014, việc cấp dưỡng có thể được thực hiện theo thỏa thuận hoặc nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng được Tòa án giải quyết và có bản án bắt buộc thi hành. Nếu có căn cứ khẳng định người có khả năng cấp dưỡng (có sức khỏe và có tài sản) nhưng chậm (cố tình kéo dài) hoặc không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng (trốn tránh) thì có thể bị xử lý hành chính, theo mức độ nghiêm trọng mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Loan Đỗ
1334

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn