23/12/2023 15:12

Nghỉ việc trước Tết có được hưởng tiền thưởng, lương tháng 13 năm 2023?

Nghỉ việc trước Tết có được hưởng tiền thưởng, lương tháng 13 năm 2023?

Nếu tôi nghỉ việc trước Tết Nguyên đán 2024, có được hưởng tiền thưởng, lương tháng 13 năm 2023 không? Minh Khuê – Đồng Tháp.

Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Nghỉ việc trước Tết có được hưởng tiền thưởng, lương tháng 13 năm 2023?

Tại Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thưởng như sau:

- Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

- Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Do đó, tiền thưởng tết, lương tháng thứ 13 là một hình thức thưởng cho người lao động. Đây là khoản tiền thưởng mà người sử dụng lao động căn cứ vào kết quả kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động để quyết định việc thưởng.

Đồng thời, pháp luật hiện nay không bắt buộc người sử dụng lao động phải chi trả tiền thưởng tết, lương tháng thứ 13. Việc có được hưởng hay không phụ thuộc vào thỏa thuận trong hợp đồng lao động giữa hai bên hoặc quy chế của công ty.

Trường hợp, trong hợp đồng lao động hoặc quy chế công ty có quy định trả lương tháng 13, người lao động vẫn được hưởng thưởng tết, lương tháng thứ 13 khi nghỉ việc nếu đủ điều kiện. Ngược lại, nếu không có quy định trên thì người lao động sẽ không được nhận lương tháng 13 khi nghỉ việc.

Như vậy, để biết chắc chắn mình có được hưởng tiền thưởng, lương tháng 13 năm 2023 hay không khi nghỉ việc trước Tết Nguyên đán 2024, người lao động cần tham khảo các quy định của pháp luật, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy chế thưởng của doanh nghiệp.

2. Nghỉ việc trước Tết có cần thông báo trước không?

Theo đó, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:

+ Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

+ Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

+ Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;

+ Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

- Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:

+ Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 Bộ luật Lao động 2019;

+ Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019;

+ Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;

+ Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

+ Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật Lao động 2019;

+ Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 , trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

+ Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Bộ luật Lao động 2019  làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

Do đó, nếu người lao động thuộc các trường hợp tại khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019  như: Bị quấy rối tình dục, ngược đãi, đánh đập… thì người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước.

Còn trường hợp nghỉ việc trước tết không thuộc các trường hợp nghỉ việc không cần báo trước trên thì người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải thông báo trước cho người sử dụng lao động. Thời hạn cụ thể như sau:

+ Hợp đồng lao động không xác định thời hạn: Ít nhất 45 ngày.

+ Hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12-36 tháng: Ít nhất 30 ngày.

+ Đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 12 tháng: Ít nhất 03 ngày

+ Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, nếu người lao động muốn nghỉ việc trước Tết Nguyên đán 2024 cần phải thông báo trước cho người sử dụng lao động theo đúng thời hạn quy định để đảm bảo quyền lợi của cả hai bên.

3. Một số bản án tham khảo liên quan đến tiền lương, tiền thưởng

- Bản án về tranh chấp tiền lương, tiền thưởng, bồi thường thiệt hại và yêu cầu hoàn trả tiền lương số 757/2017/LĐ-PT

- Bản án về tranh chấp tiền thưởng số 43/2021/LĐ-ST

- Bản án về tranh chấp tiền lương, tiền thưởng số 03/2021/LĐ-PT

- Bản án 852/2019/LĐ-PT ngày 27/09/2019 về tranh chấp tiền lương, tiền thưởng, trợ cấp thất nghiệp, tiền tạm ứng

- Bản án về tranh chấp xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải, tiền phép năm, tiền thưởng, tiền phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế số 17/2018/LĐ-PT

Trân trọng!

Nguyễn Ngọc Trầm
4562

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn