29/10/2024 16:44

Nghỉ việc mới biết công ty không đóng bảo hiểm xã hội thì NLĐ nên xử lý như thế nào?

Nghỉ việc mới biết công ty không đóng bảo hiểm xã hội thì NLĐ nên xử lý như thế nào?

Người lao động sau khi đã nghỉ việc mới phát hiện công ty không đóng bảo hiểm xã hội cho mình thì người lao động phải làm thế nào để đòi lại quyền lợi cho bản thân?

Công ty không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động có bị phạt không?

Hiện nay, vẫn có nhiều doanh nghiệp vẫn trừ tiền lương hằng tháng của người lao động để đóng bảo hiểm xã hội, nhưng thực tế lại không đóng cho cơ quan thuế. Chỉ đến khi người lao động đã nghỉ việc mới phát hiện quyền lợi của họ bị xâm phạm. 

Theo quy định hiện hành tại khoản 1, khoản 2 Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định các hành vi bị nghiêm cấm:

Điều 17. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

2. Chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, công ty không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động sẽ được xem là vi phạm pháp luật.

Đồng thời, căn cứ khoản 3 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội:

Điều 122. Xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội

3. Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 của Luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội.

Như vậy, công ty không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội từ 30 ngày trở lên thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Thực tiễn xét xử về tranh chấp BHXH giữa công ty và người lao động

Tham khảo tình huống tại Bản án 30/2024/LĐ-ST do Tòa án nhân dân huyện Bến Lức, tỉnh Long An xét xử sơ thẩm công khai ngày 29/03/2024 về tranh chấp BHXH, đòi tiền lương, bồi thường chi phí đi lại.

Tóm tắt nội dung bản án:

Ngày 24/6/2022, giữa bà Nguyễn Thị Th và Công ty Cổ phần L có ký Hợp đồng lao động số 00430/HĐLĐ/2022-2, loại hợp đồng lao động xác định thời hạn (từ ngày 24/6/2022 đến hết ngày 23/6/2023). Hợp đồng lao động thể hiện công việc phải làm, chế độ làm việc, mức lương, nghĩa vụ và quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty Cổ phần L đã vi phạm các thỏa thuận trong hợp đồng và quy định pháp luật về lao động, cụ thể: Công ty không trả tiền lương tháng 12/2022, bà Th đã đóng BHXH đầy đủ cho Công ty nhưng từ tháng 7/2021 đến tháng 12/2022, Công ty không đóng BHXH cho bà Th. Do Công ty không trả lương, nên người lao động là bà Th đã nghỉ việc ở Công ty từ tháng 12/2022 đến nay. Mặc dù, bà Th nhiền lần yêu cầu Công ty chốt sổ Bảo hiểm nhưng đến nay Công ty vẫn không thực hiện. Theo văn bản xác nhận của BHXH huyện Bến Lức thì Công ty Cổ phần L còn nợ số tiền bảo hiểm là 22.503.467 đồng”

Theo quy định Điều 2 và khoản 2 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia BHXH bắt buộc; hàng tháng người sử dụng lao động có trách nhiệm trích tiền lương của người lao động để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH. Việc Công ty L không thực hiện đóng BHXH cho bà Th là trái quy định của pháp luật nên cần phải buộc Công ty thực hiện đóng BHXH với số tiền gốc và  chịu lãi chậm đóng theo quy định. 

Công ty Cổ phần L có tham gia bảo hiểm cho bà Th gồm các khoản BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thì Công ty không đóng bảo hiểm đầy đủ cho bà Th. Cụ thể, từ tháng 7/2021 đến tháng 12/2023 thì Công ty Cổ phần L còn nợ BHXH huyện Bến Lức tổng số tiền chậm đóng và tiền lãi chậm đóng là 22.503.467 đồng. Do đó, yêu cầu khởi kiện của bà Th về việc buộc Công ty Cổ phần L có nghĩa vụ đóng BHXH với tổng số tiền bảo hiểm chậm đóng và tiền lãi chậm đóng đến tháng 12/2023 là 22.503.467 đồng là có căn cứ chấp nhận.

Do đó, Tòa án quyết định buộc Công ty Cổ phần L có nghĩa vụ nộp tiền BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp còn nợ vào tài khoản thu của cơ quan BHXH huyện Bến Lức để chốt sổ BHXH cho bà Nguyễn Thị Th số tiền là 22.503.467 đồng. Trong đó, số tiền chậm đóng là 19.752.683 đồng, lãi chậm đóng tạm tính đến tháng 12/2023 là 2.750.784 đồng.

Công ty Cổ phần L còn phải chịu tiền lãi trên số tiền BHXH chậm đóng theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Luật Bảo hiểm y tế 2008.

Qua sự việc thực tế trên, để có thể đòi được quyền lợi khi công ty không đóng BHXH cho mình thì bước đầu tiên người lao động cần phải kiểm tra kỹ các điều khoản về BHXH trong hợp đồng lao động và các giấy tờ liên quan khác để làm căn cứ. Sau đó liên hệ với công ty để yêu cầu giải quyết. Nếu công ty không giải quyết thỏa đáng thì người lao động có thể làm đơn khiếu nại gửi đến cơ quan BHXH địa phương hoặc làm đơn khởi kiện gửi đến Tòa án, và cung cấp đầy đủ bằng chứng.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
393

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]