25/02/2025 08:43

Nghị định 25/2025 quy định cơ cấu tổ chức mới của Bộ Nội vụ từ 01/3/2025 ra sao?

Nghị định 25/2025 quy định cơ cấu tổ chức mới của Bộ Nội vụ từ 01/3/2025 ra sao?

Theo Nghị định mới ban hành thì cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ từ 01/3/2025 được quy định như thế nào?

Nghị định 25/2025 quy định cơ cấu tổ chức mới của Bộ Nội vụ từ 01/3/2025 ra sao?

Chính phủ đã ban hành Nghị định 25/2025/NĐ-CP ngày 21/02/2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ. Nghị định này chính thức có hiệu lực từ ngày 01/3/2025.

Cụ thể, theo Điều 1 Nghị định 25/2025/NĐ-CP thì Bộ Nội vụ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực:

- Tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước;

- Tổ chức chính quyền địa phương;

- Cán bộ, công chức, viên chức và công vụ;

- Lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội; việc làm; an toàn, vệ sinh lao động;

- Hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, tổ chức phi chính phủ; người có công;

- Thanh niên; bình đăng giới; văn thư, lưu trữ nhà nước;

- Thi đua, khen thưởng và quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật.

Trong đó, cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ từ 01/3/2025 gồm 18 đơn vị hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và 04 đơn vị sự nghiệp công lập, cụ thể:

- 18 đơn vị hành chính bao gồm:

1. Vụ Tổ chức - Biên chế.

2. Vụ Chính quyền địa phương.

3. Vụ Công chức - Viên chức.

4. Vụ Tổ chức phi chính phủ.

5. Vụ Cải cách hành chính.

6. Vụ Công tác thanh niên và Bình đẳng giới.

7. Vụ Hợp tác quốc tế.

8. Vụ Tổ chức cán bộ.

9. Vụ Pháp chế.

10. Vụ Kế hoạch - Tài chính.

11. Thanh tra Bộ.

12. Văn phòng Bộ.

13. Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.

14. Cục Tiền lương và Bảo hiểm xã hội.

15. Cục Việc làm.

16. Cục Quản lý lao động ngoài nước.

17. Cục Người có công.

18. Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

- 04 đơn vị sự nghiệp công lập gồm có:

1. Trung tâm Công nghệ thông tin.

2. Viện Khoa học Tổ chức nhà nước và Lao động.

3. Tạp chí Tổ chức nhà nước và Lao động.

4. Báo Dân trí.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc bộ; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập khác thuộc bộ theo quy định.

Bộ Nội vụ có những chức năng, quyền hạn gì trong tuyển dụng và bồi dưỡng công chức, viên chức từ 01/3/2025?

Theo khoản 9 Điều 2 Nghị định 25/2025/NĐ-CP thì đối với việc tuyển dụng và bồi dưỡng công chức, viên chức và người lao động, Bộ Nội vụ có những chức năng, quyền hạn sau:

- Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, các đề tài, đề án, chiến lược và hướng dẫn việc thực hiện các quy định về: 

+ Tuyển dụng, bố trí, sử dụng công chức, viên chức theo vị trí việc làm; 

+ Bổ nhiệm ngạch, chức danh nghề nghiệp, tổ chức thi hoặc xét nâng ngạch công chức, thay đổi chức danh nghề nghiệp viên chức; 

+ Đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; 

+ Tiêu chuẩn chức danh; 

+ Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu của cán bộ, công chức, viên chức (trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác); 

+ Tạo nguồn cán bộ nữ, tỷ lệ nữ để bổ nhiệm các chức danh trong các cơ quan nhà nước và các nội dung quản lý khác đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định; 

- Trình Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ, miễn nhiệm, bổ nhiệm thành viên Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Thẩm định về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục và hồ sơ nhân sự đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định, phê chuẩn theo quy định của pháp luật; 

- Quy định tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ các ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Nội vụ; 

- Hướng dẫn việc xác định cơ cấu ngạch công chức, vị trí việc làm trong cơ quan nhà nước; 

- Tổ chức thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức theo quy định của pháp luật; xây dựng, hướng dẫn và quản lý dữ liệu quốc gia về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (bao gồm cả cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố); thu thập, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê quốc gia về công tác cán bộ nữ; hướng dẫn việc lập, quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức; thẻ công chức, viên chức;

- Xây dựng, ban hành và quản lý chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức; chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Nội vụ; chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn nghiệp vụ ngành Nội vụ; 

- Xây dựng, ban hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện kế hoạch bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức bằng nguồn ngân sách nhà nước theo thẩm quyền; 

- Theo dõi, tổng hợp kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Đỗ Minh Hiếu
1

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]