Ngày 21/02/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 24/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo quy định tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.
Theo đó, một số sửa đổi, bổ sung một số điều, mục, thay thế, bãi bỏ một số từ của Nghị định 98/2020/NĐ-CP tại Nghị định 24/2025/NĐ-CP đáng chú ý như:
(1) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 4 như sau:
“3. Ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm d, đ, e, g, h và i khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định này quy định các biện pháp khắc phục hậu quả khác như sau:
a) Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật;
b) Buộc hủy bỏ kết quả đã mở thưởng và tổ chức mở thưởng lại đối với chương trình khuyến mại mang tính may rủi;
c) Buộc sửa đổi lại hợp đồng đã giao kết hoặc buộc sửa đổi hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo đúng quy định;
d) Buộc thu hồi tên miền “.vn” của website thương mại điện tử hoặc buộc gỡ bỏ ứng dụng di động trên các kho ứng dụng hoặc trên các địa chỉ đã cung cấp;
đ) Buộc nộp lại giấy phép kinh doanh bị tẩy xóa, sửa chữa làm thay đổi nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp giấy phép;
e) Buộc thu hồi tang vật, phương tiện vi phạm đã bị tẩu tán.”.
(2) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 4 Điều 4 như sau:
“b) Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện, trừ các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 33; Điều 34; Điều 35; khoản 4 Điều 46; khoản 2, 3 Điều 53a; khoản 5, 7, 8, 9 Điều 56; Điều 67; Điều 68; Điều 70 và khoản 6, 7, 8 Điều 77 của Nghị định này. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân.”.
(3) Sửa đổi tên Điều 17 và sửa đổi, bổ sung khoản 1, điểm b khoản 12, khoản 13 và khoản 14 Điều 17 như sau:
a) Sửa đổi tên Điều 17 như sau:
“Điều 17. Hành vi vi phạm về kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ và khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp”;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:
“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng:
a) Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ;
b) Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ hoặc tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.”;
c) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 12 như sau:
“b) Là chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, xi măng, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, thức ăn thủy sản hoặc khoáng sản không phải là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định của pháp luật;”;
d) Sửa đổi, bổ sung khoản 13 và khoản 14 như sau:
“13. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 14 Điều này.
14. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.”.
(4) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 40 như sau:
“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chế độ báo cáo định kỳ về tình hình kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa theo quy định;
b) Tự ý tẩy xóa, sửa chữa, sửa đổi, bổ sung, thay đổi nội dung giấy phép tạm nhập tái xuất, giấy phép tạm xuất tái nhập hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.”.
...
(5) Bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số từ, cụm từ tại các điều, khoản, điểm của Nghị định 98/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo quy định tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP như sau:
- Thay thế cụm từ “hoạt động kinh doanh theo giấy phép kinh doanh” bằng cụm từ “điều kiện đầu tư kinh doanh trong hoạt động kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện” tại điểm a khoản 2 Điều 1, tên Mục 1 Chương II và tên Điều 6;
- Bổ sung cụm từ “sản phẩm,” vào trước cụm từ “hàng hoá, dịch vụ” tại khoản 12 Điều 3;
- Bổ sung cụm từ “và hàng hoá khác thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện” vào sau cụm từ “giống vật nuôi” tại điểm c khoản 2 Điều 15;
- Bãi bỏ cụm từ “mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự” tại đoạn mở đầu khoản 1 Điều 31; bổ sung cụm từ “mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự” vào sau cụm từ “từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng” tại khoản 4 Điều 31 và vào sau cụm từ “từ 1.000.000.000 đồng trở lên” tại khoản 5 Điều 31;
- Bãi bỏ cụm từ “(sau đây gọi là website thương mại điện tử bán hàng)” và cụm từ “(sau đây gọi là ứng dụng bán hàng)” tại điểm a khoản 1 Điều 62;
- Bổ sung cụm từ “Chánh Thanh tra tỉnh;” vào trước cụm từ “Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa” tại đoạn mở đầu khoản 3 Điều 87.
(6) Bãi bỏ khoản 11 Điều 3, Điều 73, điểm a khoản 4 Điều 77 của Nghị định 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP.
Xem toàn bộ nội dung sửa đổi: https://thuvienphapluat.vn/banan//Uploads/FileAttack/TT/13815/644186.pdf
Nghị định 24/2025 sửa đổi Nghị định 98 về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, buôn bán hàng giả thế nào? (hình từ internet)
Theo đó, tại Điều 3 Nghị định 24/2025/NĐ-CP quy định về Điều khoản chuyển tiếp như sau:
- Đối với các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm để xử lý.
Trường hợp Nghị định 24/2025/NĐ-CP không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi đã xảy ra thì áp dụng các quy định Nghị định 24/2025/NĐ-CP để xử lý.
- Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, mà tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 98/2020/NĐ-CP, Nghị định 17/2022/NĐ-CP.
Xem nội dung chi tiết tại Nghị định 24/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 21/02/2025.