Ngày 19 tháng 11 hàng năm được biết đến là Ngày Quốc tế Nam giới. Đây là dịp để chúng ta cùng nhau tôn vinh những đóng góp quan trọng của nam giới trong xã hội, gia đình và cộng đồng. Đồng thời, ngày này cũng là cơ hội để nâng cao nhận thức về các vấn đề mà nam giới đang đối mặt, như sức khỏe tâm thần, bạo lực giới và sự bất bình đẳng giới.
Ở nhiều quốc gia, Ngày Quốc tế Nam giới 19/11 được tổ chức với nhiều hoạt động đa dạng như hội thảo, hội nghị, sự kiện thể thao và chiến dịch truyền thông xã hội nhằm nâng cao nhận thức về ngày này và các vấn đề liên quan đến nam giới.
Theo đó, Ngày Quốc tế Nam giới 19/11 năm 2024 rơi vào thứ Ba.
Theo Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định lịch nghỉ lễ, tết của người lao động như sau:
Điều 112. Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.
Theo đó, Ngày Quốc tế Nam giới 19/11 không phải là ngày nghỉ lễ, tết nên người lao động nói chung và lao động năm nói riêng sẽ không được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương.
Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Điều 113. Nghỉ hằng năm
1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
…
Như vậy, người lao động nam sẽ không được nghỉ làm và hưởng nguyên lương vào Ngày Quốc tế Nam giới 19/11 . Tuy nhiên, lao động nam vẫn có thể dùng số ngày nghỉ phép năm của mình để nghỉ hưởng nguyên lương vào ngày này.
Căn cứ theo Điều 4 Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 4. Tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường
Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường theo khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động được quy định cụ thể như sau:
1. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035
…
Bên cạnh đó, tại Điều 5 Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định, người lao động thuộc các trường hợp dưới đây có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Điều 4 Nghị định 135/2020/NĐ-CP tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác:
+ Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
+ Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021.
+ Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
+ Người lao động có tổng thời gian làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành và thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021 từ đủ 15 năm trở lên.
Như vậy, theo quy định trên, tuổi nghỉ hưu của lao động nam trong điều kiện bình thường năm 2025 là: 61 tuổi 3 tháng.
Trường hợp nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường thì tuổi nghỉ hưu của người lao động nam năm 2025: 56 tuổi 3 tháng.