01/05/2024 20:24

Ngày Môi trường Thế giới là ngày nào? Chủ đề ngày Môi trường Thế giới năm 2024 là gì?

Ngày Môi trường Thế giới là ngày nào? Chủ đề ngày Môi trường Thế giới năm 2024 là gì?

Cho tôi hỏi Ngày Môi trường Thế giới là ngày nào? Chủ đề ngày Môi trường hế giới năm 2024 là gì? (Thanh Nguyên - Bình Phước)

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Ngày Môi trường Thế giới là ngày nào?

Ở thập niên 60, các vấn đề về môi trường không được quan tâm dẫn đến hiện tượng suy thoái, ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Khi ý thức được những ảnh hưởng có hại của mình đối với môi trường sống, con người đã bắt đầu có chuỗi hành động thiết thực. 

Cụ thể, trong hai ngày 5 – 6/6/1972, Hội nghị của Liên hợp quốc đã diễn ra tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển). Đại diện 113 quốc gia đã cùng bàn luận về Con người & Môi trường.

Trong cuộc họp này, Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc chính thức được thành lập. Đại Hội đồng Liên Hợp quốc cũng quyết định chọn ngày 5/6 làm Ngày Môi trường Thế giới (World Environment Day).

Như vậy, ngày Môi trường thế giới (World Environment Day) là ngày lễ quốc tế được tổ chức hàng năm vào ngày 05 tháng 06 để nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường toàn cầu và khuyến khích hành động để bảo vệ môi trường Trái đất.

2. Chủ đề ngày Môi trường Thế giới năm 2024

Theo Công văn 2964/BTNMT-TTTT 2024 ban hành ngày 09/5/2024 của Bộ Tài nguyên và Mộ trường, Chủ đề Ngày Môi trường Thế giới 05 tháng 6 năm 2024 là “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá” (Land restoration, desertification and drought resilience) được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động. nhằm kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn thế giới.

Theo Công ước của Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa, có tới 40% diện tích đất đai trên hành tinh bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới và đe dọa khoảng một nửa GDP toàn cầu (44 nghìn tỷ USD). Tần suất và thời gian hạn hán đã tăng 29% kể từ năm 2000, nếu không có hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050. Phục hồi đất là một trong những mục tiêu chính trong Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái của Liên hợp quốc (2021-2030), thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

3. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường ở Việt Nam

Căn cứ theo Điều 6 Luật Bảo vệ môi trường 2020, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường ở Việt Nam bao gồm:

- Vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường.

- Phát tán, thải ra môi trường chất độc hại, vi rút độc hại có khả năng lây nhiễm cho con người, động vật, vi sinh vật chưa được kiểm định, xác súc vật chết do dịch bệnh và tác nhân độc hại khác đối với sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên.

- Gây tiếng ồn, độ rung vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường; xả thải khói, bụi, khí có mùi độc hại vào không khí.

- Thực hiện dự án đầu tư hoặc xả thải khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức.

- Nhập khẩu trái phép phương tiện, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng để phá dỡ, tái chế.

- Không thực hiện công trình, biện pháp, hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Che giấu hành vi gây ô nhiễm môi trường, cản trở, làm sai lệch thông tin, gian dối trong hoạt động bảo vệ môi trường dẫn đến hậu quả xấu đối với môi trường.

- Sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên; sản xuất, sử dụng nguyên liệu, vật liệu xây dựng chứa yếu tố độc hại vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

- Sản xuất, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất và tiêu thụ chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo quy định của điều ước quốc tế về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Phá hoại, xâm chiếm trái phép di sản thiên nhiên.

- Phá hoại, xâm chiếm công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Theo đó, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức và cá nhân phải có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và bị xử lý theo quy định của Nghị định 45/2022/NĐ-CP (quy định tại khoản 1 Điều 161 Luật Bảo vệ môi trường 2020).

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
5510

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]