29/04/2024 16:35

Ngày 31/5 có phải là ngày Quốc tế không thuốc lá? Nguyên tắc và chính sách của Việt Nam về phòng, chống tác hại của thuốc lá

Ngày 31/5 có phải là ngày Quốc tế không thuốc lá? Nguyên tắc và chính sách của Việt Nam về phòng, chống tác hại của thuốc lá

Cho tôi hỏi ngày 31/5 có phải là ngày Quốc tế không thuốc lá không? Nguyên tắc và chính sách của Nhà nước Việt Nam về phòng, chống tác hại của thuốc lá là gì? (Minh Anh - Long An)

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau: 

1. Ngày 31/5: Ngày Quốc tế không thuốc lá

Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu mà lẽ ra có thể phòng tránh được. Sử dụng thuốc lá hiện gây ra 10 % trong số các ca tử vong có thể tránh được ở người trưởng thành trên toàn thế giới. Theo thống kê hút thuốc lá là nguyên nhân cướp đi sinh mạng của khoảng 8 triệu người trên toàn cầu mỗi năm và hủy hoại môi trường của chúng ta. 

Ngoài tác hại trực tiếp tới con người, tác hại của ngành công nghiệp thuốc lá đối với môi trường là rất lớn. Việc trồng, sản xuất và sử dụng thuốc lá gây nhiễm độc nước, đất, bãi biển và đường phố của chúng ta bằng các hóa chất, chất thải độc hại, tàn thuốc lá, bao gồm cả nhựa vi sinh và chất thải thuốc lá điện tử. 

Vì thế nên, ngày 31/5 hàng năm được chọn là ngày Quốc tế không thuốc lá - World No Tobacco Day (WNTD) theo Nghị quyết Resolution 42.19 của WHO (Tổ chức y tế Thế giới). Mục đích của Tổ chức Y tế Thế giới WHO muốn tạo ra và khuyến khích khoảng thời gian 24 tiếng không có khói thuốc lá trên toàn cầu.

 Ngày Thế giới không thuốc lá là dịp để chúng ta nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá và chung tay đẩy lùi vấn đề này. Hãy cùng nhau hướng đến một cộng đồng không khói thuốc, vì sức khỏe bản thân và cộng đồng.

2. Nguyên tắc và chính sách của Nhà nước Việt Nam về phòng, chống tác hại của thuốc lá

Theo đó, nguyên tắc phòng, chống tác hại của thuốc lá được quy định tại Điều 3 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 như sau: 

- Tập trung thực hiện các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá kết hợp với biện pháp kiểm soát để từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá.

- Chú trọng biện pháp thông tin, giáo dục, truyền thông để nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá nhằm giảm dần tỷ lệ sử dụng thuốc lá và tác hại do thuốc lá gây ra.

- Thực hiện việc phối hợp liên ngành, huy động xã hội và hợp tác quốc tế trong phòng, chống tác hại của thuốc lá.

- Bảo đảm quyền của mọi người được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá và được thông tin đầy đủ về tác hại của thuốc lá.

Tại Điều 4 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 9 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018), Nhà nước ta có những chính sách về phòng, chống tác hại của thuốc lá như sau:

- Xã hội hóa các nguồn lực để thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.

- Áp dụng chính sách thuế phù hợp để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.

- Hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc lá phải phù hợp với mục tiêu từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá, phù hợp với việc giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá.

- Khuyến khích, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn, cai nghiện thuốc lá; nghiên cứu về tác hại của thuốc lá, các phương pháp cai nghiện thuốc lá; nghiên cứu và sản xuất thuốc cai nghiện thuốc lá; hợp tác, tài trợ cho phòng, chống tác hại của thuốc lá; người sử dụng thuốc lá tự nguyện cai nghiện thuốc lá.

- Khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trồng cây thuốc lá, sản xuất thuốc lá, chế biến nguyên liệu thuốc lá chuyển đổi ngành, nghề.

- Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong phòng, chống tác hại của thuốc lá.

3. Các địa điểm cấm hút thuốc lá ở Việt Nam

Căn cứ tại Điều 11, 12 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012, các địa điểm cấm hút thuốc lá tại Việt Nam là những địa điểm sau:

(1) Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn:

- Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm:

+ Cơ sở y tế;

+ Cơ sở giáo dục, trừ các cơ sở quy định tại điểm b khoản 2 Điều 11 của Luật  phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012;

+ Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em;

+ Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.

- Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm:

+ Nơi làm việc;

+ Trường cao đẳng, đại học, học viện;

+ Địa điểm công cộng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 11 và khoản 1 Điều 12 của Luật  phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012.

- Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm ô tô, tàu bay, tàu điện.

(2) Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá:

- Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá bao gồm:

+ Khu vực cách ly của sân bay;

+ Quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch;

+ Phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa.

- Nơi dành riêng cho người hút thuốc lá phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

+ Có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá;

+ Có dụng cụ chứa các mẩu, tàn thuốc lá; có biển báo tại các vị trí phù hợp, dễ quan sát;

+ Có thiết bị phòng cháy, chữa cháy.

- Khuyến khích người đứng đầu địa điểm quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 tổ chức thực hiện việc không hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà.

- Chính phủ quy định chuyển địa điểm tại khoản 1 Điều 12 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 thành địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà phù hợp với từng thời kỳ.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
1127

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]