Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:
Vào những năm 60 của thế kỷ XIX, đất nước Việt Nam chứng kiến sự ra đời của một loạt tờ báo tại Sài Gòn, Hà Nội và các địa phương khác. Đầu thế kỷ XX, các tờ báo Việt Nam trỗi dậy với sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà báo và nhà trí thức, hội tụ thành từng nhóm với các xu hướng chính trị đa dạng.
Ngày 21 tháng 6 năm 1925, báo Thanh Niên ra đời tại Quảng Châu (Trung Quốc) do Nguyễn Ái Quốc (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) sáng lập. Đây là tờ báo của Đảng Cộng sản Việt Nam, là tiếng nói của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Báo Thanh Niên đã cổ vũ phong trào yêu nước, giải phóng dân tộc, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ đó hằng năm vào ngày 21/6 là Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Đây là dịp để toàn thể nhân dân tôn vinh, tri ân những nhà báo đã đóng góp tâm sức vì một nền báo chí nước nhà vững mạnh.
Cùng với đó sẽ tổ chức các hoạt động kỷ niệm và chào mừng ngày này, tiêu biểu cần phải kể đến như các cuộc thi về báo chí. Từ những cuộc thi này, nhằm khẳng định vai trò quan trọng của báo chí cách mạng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Là dịp để các nhà báo tự soi lại mình, tiếp tục phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Tại khoản 1 Điều 25 Luật Báo chí 2016 quy định, nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo.
Trong đó, hoạt động báo chí là hoạt động:
- Sáng tạo tác phẩm báo chí, sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí;
- Cung cấp thông tin và phản hồi thông tin cho báo chí;
- Cải chính thông tin trên báo chí; xuất bản, in, phát hành báo in;
- Truyền dẫn báo điện tử và truyền dẫn, phát sóng báo nói, báo hình.
Theo đó, nhà báo Việt Nam sẽ có các quyền và nghĩa vụ như sau:
Nhà báo có các quyền sau đây:
- Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp;
- Được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật;
- Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật;
- Được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật;
- Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ báo chí;
- Khước từ việc tham gia biên soạn hoặc thể hiện tác phẩm báo chí trái với quy định của pháp luật.
(Quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Báo chí 2016)
Nhà báo có các nghĩa vụ sau đây:
- Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân;
- Bảo vệ quan Điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm;
- Không được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và làm việc vi phạm pháp luật;
- Phải cải chính, xin lỗi trong trường hợp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan báo chí về nội dung tác phẩm báo chí của mình và về những hành vi vi phạm pháp luật;
- Tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
(Quy định tại khoản 3 Điều 25 Luật Báo chí 2016)