Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:
Căn cứ theo Điều 1 Quyết định 1668/QĐ-TTg năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hàng năm lấy ngày 19 tháng 4 là Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam.
Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam mang ý nghĩa tôn vinh nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Bên cạnh đó, cũng nhân sự kiện này để tuyên truyền, vận động làm cho các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam hiểu về nhau, tương hỗ cùng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Từ đó, góp phần phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.
Trong năm 2024, ngày 19 tháng 4 sẽ rơi vào thứ 6, nhằm ngày 11/3 âm lịch.
Căn cứ theo quy định tại Điều 10 Nghị định 05/2011/NĐ-CP thì chính sách phát triển giáo dục và đào tạo trong công tác dân tộc cụ thể:
- Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số theo chương trình chung quốc gia.
- Xây dựng chính sách giáo dục ở tất cả các cấp học phù hợp với đặc thù dân tộc.
- Phát triển trường mầm non, trường phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng, trường dạy nghề, trường dự bị đại học.
- Nghiên cứu hình thức đào tạo đa ngành bậc đại học cho con em các dân tộc thiểu số để đẩy nhanh việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
- Quy định các điều kiện và biện pháp cụ thể, phù hợp để hỗ trợ cho học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số.
- Giải quyết chỗ ở, học bổng và cho vay vốn trong thời gian học tập phù hợp với ngành nghề đào tạo và địa bàn cư trú của sinh viên dân tộc thiểu số.
- Học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn được miễn học phí ở tất cả các cấp học, ngành học.
- Đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số phù hợp với đặc điểm từng vùng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập Quốc tế.
- Quy định việc hỗ trợ giáo viên giảng dạy tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
- Đào tạo giáo viên là người dân tộc thiểu số và giáo viên dạy tiếng dân tộc.
- Tiếng nói, chữ viết và truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được đưa vào chương trình giảng dạy trong các trường phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng, trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học phù hợp với địa bàn vùng dân tộc.
- Chính quyền địa phương, nơi có con em dân tộc thiểu số thi đỗ vào Đại học, Cao đẳng và sinh viên được cử đi học hệ cử tuyển, có trách nhiệm tiếp nhận và phân công công tác phù hợp với ngành nghề đào tạo sau khi tốt nghiệp.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 7 Nghị định 05/2011/NĐ-CP quy định về các hành vi bị nghiêm cấm như sau:
Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm
Nghiêm cấm các hành vi sau đây:
1. Mọi hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử, chia rẽ, phá hoại đoàn kết các dân tộc.
2. Lợi dụng các vấn đề về dân tộc để tuyên truyền xuyên tạc, chống lại đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
3. Lợi dụng việc thực hiện chính sách dân tộc, quản lý nhà nước về công tác dân tộc để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
4. Các hành vi khác trái với quy định của Chính phủ.
Có thể thấy, hành vi phân biệt đối xử các dân tộc là một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong công tác dân tộc.
Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 05/2011/NĐ-CP, có 04 nguyên tắc cơ bản của công tác dân tộc là:
- Thực hiện chính sách dân tộc theo nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.
- Đảm bảo và thực hiện chính sách phát triển toàn diện, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.
- Đảm bảo việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết, bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc.
- Các dân tộc có trách nhiệm tôn trọng phong tục, tập quán của nhau, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trân trọng!