07/09/2024 16:30

Ngày 17 tháng 9 là ngày gì? Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khám chữa bệnh là gì?

Ngày 17 tháng 9 là ngày gì? Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khám chữa bệnh là gì?

Ngày 17 tháng 9 là ngày gì? Ngày này có phải là ngày An toàn người bệnh Thế giới không? Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khám chữa bệnh là gì?

1. Ngày 17 tháng 9 là ngày gì? 

Bộ Y tế vừa ban hành Công văn 5241/BYT-KCB ngày 04/9/2024 về việc hướng dẫn hoạt động hưởng ứng “Ngày An toàn người bệnh Thế giới” 17/9/2024. 

Theo đó trong Công văn 5241/BYT-KCB có nêu, ngày 17 tháng 9 hàng năm đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn là “Ngày An toàn người bệnh Thế giới”. 

Để hưởng ứng cuộc vận động của WHO và tham gia sự kiện chung trên toàn cầu, Bộ Y tế đề nghị các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương và Y tế các Bộ ngành (sau đây gọi chung là các Đơn vị) chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc tổ chức các hoạt động để hưởng ứng nhân dịp “Ngày An toàn người bệnh Thế giới” năm 2024 trong tuần từ ngày 04/9/2024 đến ngày 22/9/2024 theo Thông điệp của WHO được gửi kèm theo công văn này, với các hình thức phù hợp, cụ thể như sau:

- Báo cáo cấp có thẩm quyền tổ chức chiếu đèn có màu cam tại các di tích văn hóa, các khu vực công cộng và các đài phun nước;

- Chạy bảng chữ điện tử, treo pa nô, áp phích với khẩu hiệu của WHO “Chẩn đoán chính xác, điều trị an toàn - Get it right, make it safe”; sử dụng hình ảnh, biểu tượng theo mẫu hướng dẫn của WHO tại các bệnh viện trên địa bàn;

- Tổ chức các hội thảo, tập huấn theo chủ đề năm 2024 “Nâng cao năng lực chẩn đoán vì sự An toàn của Người bệnh - Improving diagnosis for patient safety”; phổ biến các phương pháp, công khai kết quả triển khai Thông tư 43/2018/TT-BYT ngày 26/12/2018 của Bộ Y tế hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho nhân viên y tế;

- Tổ chức các chương trình văn nghệ về chủ đề An toàn người bệnh, phòng ngừa sự cố y khoa, đặc biệt các tình huống nguy cơ được kịp thời ngăn ngừa trong chẩn đoán, chăm sóc, điều trị;

- Tích cực triển khai các giải pháp có ý nghĩa thực tiễn về an toàn người bệnh và nhân viên y tế.

- Phối hợp với các đơn vị truyền thông trên địa bàn đưa tin bài, hình ảnh các hoạt động nêu trên rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Như vậy, ngày 17 tháng 9 là ngày An toàn người bệnh Thế giới. Đây là một ngày đặc biệt nhằm để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của an toàn bệnh nhân, khuyến khích các biện pháp cải thiện chất lượng dịch vụ y tế, giảm thiểu rủi ro trong quá trình điều trị và xây dựng một môi trường y tế an toàn, chất lượng, góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

2. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khám chữa bệnh là gì?

Căn cứ tại Điều 7 Luật khám bệnh chữa bệnh 2023 quy định 21 hành vi sau đây bị nghiêm cấm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, gồm:

(1) Xâm phạm quyền của người bệnh.

(2) Từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh, trừ trường hợp quy định tại Điều 40 Luật khám bệnh chữa bệnh 2023.

(3) Khám bệnh, chữa bệnh mà không đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 19 Luật khám bệnh chữa bệnh 2023.

(4) Khám bệnh, chữa bệnh không đúng phạm vi hành nghề hoặc phạm vi hoạt động được cơ quan có thẩm quyền cho phép, trừ trường hợp cấp cứu hoặc thực hiện khám bệnh, chữa bệnh theo huy động, điều động của cơ quan có thẩm quyền khi xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp.

(5) Hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ngoài thời gian, địa điểm đã đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi là đăng ký hành nghề), trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 36 Luật khám bệnh chữa bệnh 2023.

(6) Không tuân thủ quy định về chuyên môn kỹ thuật; áp dụng phương pháp, kỹ thuật chuyên môn, sử dụng thiết bị y tế chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

(7) Kê đơn, chỉ định sử dụng thuốc chưa được cấp phép lưu hành theo quy định của pháp luật về dược trong khám bệnh, chữa bệnh.

(8) Có hành vi nhũng nhiễu trong khám bệnh, chữa bệnh.

(9) Kê đơn thuốc, chỉ định thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, thiết bị y tế, gợi ý chuyển người bệnh tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác hoặc có hành vi khác nhằm trục lợi.

(10) Tẩy xóa, sửa chữa hồ sơ bệnh án nhằm làm sai lệch thông tin về khám bệnh, chữa bệnh hoặc lập hồ sơ bệnh án giả hoặc lập hồ sơ bệnh án và các giấy tờ khống khác về kết quả khám bệnh, chữa bệnh.

(11) Người hành nghề bán thuốc dưới mọi hình thức, trừ các trường hợp sau đây:

- Bác sỹ y học cổ truyền, y sỹ y học cổ truyền, lương y bán thuốc cổ truyền;

- Người có bài thuốc gia truyền bán thuốc theo bài thuốc gia truyền thuộc quyền sở hữu của mình đã được đăng ký.

(12) Sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác, ma túy, thuốc lá tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc trong khi khám bệnh, chữa bệnh.

(13) Sử dụng hình thức mê tín, dị đoan trong khám bệnh, chữa bệnh.

(14) Từ chối tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh khi có thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp theo quyết định huy động, điều động của cơ quan, người có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 47 Luật khám bệnh chữa bệnh 2023.

(15) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Không có giấy phép hoạt động;

- Đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động;

- Không đúng phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép, trừ trường hợp cấp cứu hoặc thực hiện khám bệnh, chữa bệnh theo quyết định huy động, điều động của cơ quan, người có thẩm quyền khi xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp.

(16) Thuê, mượn, cho thuê, cho mượn giấy phép hành nghề hoặc giấy phép hoạt động.

(17) Lợi dụng hình ảnh, tư cách của người hành nghề để phát ngôn, tuyên truyền, khuyến khích người bệnh sử dụng phương pháp khám bệnh, chữa bệnh chưa được công nhận.

(18) Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc phá hoại, hủy hoại tài sản của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

(19) Ngăn cản người bệnh thuộc trường hợp bắt buộc chữa bệnh vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc cố ý thực hiện bắt buộc chữa bệnh đối với người không thuộc trường hợp bắt buộc chữa bệnh.

(20) Quảng cáo vượt quá phạm vi hành nghề hoặc vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; lợi dụng kiến thức y học để quảng cáo gian dối về khám bệnh, chữa bệnh.

(21) Đăng tải các thông tin mang tính quy kết về trách nhiệm của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi xảy ra sự cố y khoa mà chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
346

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]