03/10/2024 16:25

Ngày 13 tháng 10 là ngày gì? Doanh nhân tham dự xét tôn vinh danh hiệu thì phải đáp ứng những điều kiện gì?

Ngày 13 tháng 10 là ngày gì? Doanh nhân tham dự xét tôn vinh danh hiệu thì phải đáp ứng những điều kiện gì?

Ngày 13 tháng 10 là ngày gì? Doanh nhân tham dự xét tôn vinh danh hiệu thì phải đáp ứng những điều kiện gì? Nguyên tắc và phạm vi hoạt động của Hội doanh nhân Việt Nam là gì?

>> Xem thêm: Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 có ý nghĩa gì? Thủ tục vào Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam thế nào?

1. Ngày 13 tháng 10 là ngày gì? 

Ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi bức thư tới giới công thương, khẳng định vai trò quan trọng của họ trong công cuộc xây dựng đất nước. Với ý nghĩa lịch sử đó, ngày 20/9/2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định 990/QĐ-TTg về Ngày Doanh nhân Việt Nam, hằng năm lấy ngày 13 tháng 10 là “Ngày doanh nhân Việt Nam”, nhằm ghi nhận những đóng góp của các doanh nhân và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp:

Điều 1. Hàng năm lấy ngày 13 tháng 10 là "Ngày Doanh nhân Việt Nam".

Điều 2. Việc tổ chức ngày Doanh nhân Việt Nam hàng năm phải thiết thực, tiết kiệm, có hiệu quả, tránh hình thức, bảo đảm các yêu cầu sau đây :

- Giáo dục truyền thống yêu nước, tự cường, chủ động sáng tạo của đội ngũ doanh nhân, động viên phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, nâng cao kỷ luật, đạo đức, văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp, doanh nhân.

- Biểu dương khen thưởng bằng các hình thức thích hợp đối với các doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh giỏi, thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp.

Như vậy, ngày 13 tháng 10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Đây là dịp để cả nước tôn vinh những đóng góp to lớn của các doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời khích lệ tinh thần khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.

Năm nay 2024 cũng kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam, rơi vào Chủ nhật ngày 13/10/2024.

2. Doanh nhân tham dự xét tôn vinh danh hiệu thì phải đáp ứng những điều kiện gì?

Doanh nhân được tham dự xét tôn vinh danh hiệu thì phải đáp ứng những điều kiện theo Điều 66 Nghị định 98/2023/NĐ-CP quy định như sau:

- Có phẩm chất đạo đức tốt, thực hiện nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức và nơi cư trú.

- Giữ chức vụ quản lý doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác ổn định và phát triển liên tục từ 07 năm trở lên khi tham gia danh hiệu, giải thưởng của bộ, ngành, đoàn thể trung ương, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và từ 05 năm trở lên khi tham gia xét tôn vinh và trao tặng danh hiệu, giải thưởng của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị).

Trường hợp doanh nhân tham gia điều hành nhiều doanh nghiệp khác nhau hoặc chuyển việc thì được cộng dồn thời gian tham gia điều hành các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác để tính làm điều kiện tham gia xét danh hiệu, giải thưởng.

- Tích cực học tập nâng cao trình độ, năng lực quản trị doanh nghiệp.

- Có sáng kiến cải tiến, biện pháp quản lý hoặc ứng dụng công nghệ mới, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác.

- Quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác. Thực hiện tốt, đầy đủ các chế độ đối với người lao động theo quy định của pháp luật.

- Tích cực tham gia các phong trào thi đua, có đóng góp, ủng hộ và thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, doanh nhân và tổ chức kinh tế khác tại địa phương; quan tâm phát triển tổ chức Đảng, Công đoàn, các tổ chức quần chúng (nếu có) trong doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác.

- Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác do doanh nhân quản lý phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật; có doanh thu; lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước, thu nhập người lao động ổn định và có tăng trưởng; không bị khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, đình công, ngừng việc tập thể.

3. Nguyên tắc và phạm vi hoạt động của Hội doanh nhân Việt Nam là gì?

* Đối với Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam:

- Phạm vi hoạt động:

+ Hội hoạt động trên phạm vi cả nước, trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mà các doanh nhân tư nhân là các công dân Việt Nam có các hoạt động từ khi gia nhập thị trường, hoạt động sản xuất, kinh doanh đến khi rút khỏi thị trường theo quy định của pháp luật Việt Nam.

+ Hội chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật.

- Nguyên tắc tổ chức, hoạt động:

+ Tự nguyện, tự quản.

+ Dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch.

+ Tự đảm bảo kinh phí hoạt động.

+ Không vì mục đích lợi nhuận.

+ Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Hội.

(Điều 4, Điều 5 Điều lệ Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 797/QĐ-BNV năm 2013)

* Đối với hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài:

- Hiệp hội hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ về tài chính, tuân thủ luật pháp Việt Nam và Điều lệ Hiệp hội.

- Hiệp hội có phạm vi hoạt động trên toàn lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tại các nước có người Việt Nam sinh sống và làm việc. Hoạt động của Hiệp hội chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành khác có liên quan về lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội.

- Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài là thành viên tập thể của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

(Điều 4 Điều lệ Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài ban hành kèm theo Quyết định 81/QĐ-BNV năm 2013)

* Đối với Hội doanh nhân trẻ Việt Nam:

- Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc:

+ Tự nguyện, tự quản, tự chủ về tài chính, không vụ lợi và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật;

+ Hiệp thương dân chủ và thống nhất hành động;

+ Đoàn kết, tương trợ, hợp tác, bình đẳng.

- Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam hoạt động trong phạm vi cả nước.

- Trụ sở chính của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đặt tại Thủ đô Hà Nội. Hội có thể đặt văn phòng đại diện tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của pháp luật.

Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam có thể thành lập văn phòng đại diện của Hội tại nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước sở tại.

(Điều 3 Điều lệ Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 1354/QĐ-BNV năm 2012)

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
1614

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]