21/05/2024 18:02

Ngày 12 tháng 6 là ngày gì? Sử dụng lao động là trẻ em dưới 15 tuổi phải đáp ứng điều kiện gì?

Ngày 12 tháng 6 là ngày gì? Sử dụng lao động là trẻ em dưới 15 tuổi phải đáp ứng điều kiện gì?

Có phải ngày 12 tháng 6 là Ngày Thế giới chống Lao động Trẻ em không? Sử dụng lao động là trẻ em dưới 15 tuổi phải đáp ứng điều kiện gì? (Minh Thúy - Phú Yên)

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Ngày 12 tháng 6 là ngày gì? 

Năm 2002, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã thành lập ngày 12 tháng 6 là Ngày Thế giới chống Lao động Trẻ em, và đã được Liên Hợp Quốc công nhận. Thế nên vào ngày 12 tháng 6 hàng năm sẽ là Ngày Thế giới chống Lao động Trẻ em, viết tắt là WDACL (World Day Against Child Labour).

Mục tiêu chính của ngày này là tăng cường nhận thức và khuyến nghị các biện pháp hành động nhằm ngăn chặn tình trạng lao động trẻ em. Theo đó, mỗi cá nhân, tổ chức và chính phủ đều có thể đóng góp vào việc chấm dứt lao động trẻ em bằng cách:

- Nâng cao nhận thức về tác hại của lao động trẻ em.

- Hỗ trợ các chương trình giáo dục và đào tạo cho trẻ em.

- Tạo ra môi trường làm việc an toàn và lành mạnh cho người lao động.

- Hỗ trợ các chính sách và luật pháp chống lao động trẻ em.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách và luật pháp để bảo vệ trẻ em, trong đó nổi bật nhất là Luật Bảo vệ trẻ em 2016. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phê chuẩn hai Công ước cơ bản của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) liên quan trực tiếp đến vấn đề lao động trẻ em là Công ước số 138 năm 1973 về độ tuổi lao động tối thiểu và Công ước số 182 về cấm và hành động ngay lập tức để xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; nỗ lực trong việc nội luật hóa các quy định pháp luật quốc tế về lao động trẻ em.

2. Sử dụng lao động là trẻ em dưới 15 tuổi phải đáp ứng điều kiện gì?

Pháp luật Việt Nam không cấm sử dụng người lao động lao động là trẻ em dưới 15 tuổi, tuy nhiên, người sử dụng lao động khi sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc thì phải tuân thủ Điều 145 Bộ luật lao động 2019, khi sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc, với các quy định cụ thể sau:

- Giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó theo quy định tại Điều 4 Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH.

- Bố trí thời giờ làm việc của người chưa đủ 15 tuổi theo quy định tại khoản 1 Điều 146 của Bộ luật Lao động. Người chưa đủ 15 tuổi vừa làm việc vừa học tập hoặc có nhu cầu học tập thì việc bố trí thời giờ làm việc phải bảo đảm không ảnh hưởng đến thời gian học tập của người chưa đủ 15 tuổi.

- Bố trí các đợt nghỉ giải lao cho người chưa đủ 15 tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 109 Bộ luật Lao động.

- Tuân thủ quy định về khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 145 của Bộ luật Lao độngLuật An toàn, vệ sinh lao động.

- Chỉ được tuyển dụng và sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi vào làm công việc nhẹ khi công việc đó đáp ứng các điều kiện sau:

+ Là công việc có trong danh mục quy định tại Điều 8 Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH;

+ Nơi làm việc không thuộc các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 2 Điều 147 của Bộ luật Lao độngkhoản 2 Điều 9 Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH.

+ Không được tuyển dụng và sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc, trừ các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa đủ 13 tuổi và phải có sự đồng ý của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định tại Điều 5 Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH.

3. Bắt trẻ em đi ăn xin bị xử phạt ra sao? 

Hiện nay tình trạng “chăn dắt” trẻ em đi ăn xin dưới nhiều hình thức ngày càng phổ biến. Có trẻ bị bắt đi ăn xin tại khu vui chơi giải trí, quán ăn, có trẻ bị bắt đi bán vé số tại các giao lộ, thậm chí có trẻ bị bắt đi “phun” lửa kiếm tiền. 

Theo đó, hành vi bắt trẻ em đi ăn xin được quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định 130/2021/NĐ-CP về vi phạm quy định cấm lạm dụng, bóc lột trẻ em, tổ chức, hỗ trợ, xúi giục như sau:

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn;

+ Cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn.

Bên cạnh đó, đối tượng có hành vi bắt trẻ em đi ăn xin còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm lạm dụng, bóc lột trẻ em, sử dụng trẻ em để xin ăn;

- Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm lạm dụng, bóc lột trẻ em, sử dụng trẻ em để xin ăn.

Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm lạm dụng, bóc lột trẻ em, sử dụng trẻ em để xin ăn trên là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, đối với tổ chức thì gấp đôi tiền phạt (quy định tại khoản 5 Điều 23 Nghị định 130/2021/NĐ-CP).

Như vậy, nếu cá nhân nào ép buộc trẻ em đi ăn xin có thể bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng và 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
342

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn