02/09/2024 09:55

Ngày 10 tháng 9 là ngày gì? Quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là gì?

Ngày 10 tháng 9 là ngày gì? Quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là gì?

Ngày 10 tháng 9 là ngày gì, có phải là ngày ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không? Quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là gì? Tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như thế nào?

1. Ngày 10 tháng 9 là ngày gì? 

Từ ngày 5 đến 10/9/1955, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất họp tại Hà Nội đã quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc việt Nam và thông qua cương lĩnh nhằm đoàn kết mọi lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình trong cả nước.

Như vậy, ngày 10/9/1955 là ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và vào ngày 10 tháng 9 hằng năm là ngày kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đây là một ngày vô cùng ý nghĩa, nhắc nhở chúng ta về truyền thống đoàn kết, đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại những thành tựu đã đạt được và tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới.

2. Quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là gì?

Kế thừa vai trò lịch sử của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền và trách nhiệm như sau:

- Tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

- Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

- Tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước.

- Thực hiện giám sát và phản biện xã hội.

- Tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước.

- Thực hiện hoạt động đối ngoại nhân dân.

(Quy định tại Điều 1, 3 Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam 2015)

3. Tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như thế nào?

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được tổ chức ở trung ương và các đơn vị hành chính, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ quan chấp hành giữa hai kỳ đại hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có trách nhiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Theo đó, cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được tổ chức như sau:

- Ở trung ương: có Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Ở địa phương: có Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn. Ở mỗi cấp có Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định.

Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã thành lập Ban công tác Mặt trận ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác. Tổ chức và hoạt động của Ban công tác Mặt trận do Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định.

(Quy định tại Điều 6 Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam 2015)

4. Quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Nhân dân như thế nào?

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp đoàn kết Nhân dân; động viên, hỗ trợ Nhân dân thực hiện dân chủ, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nhân dân tham gia tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thông qua các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cá nhân tiêu biểu là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và tham gia các hoạt động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, tổ chức.

Thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành, viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nhân dân tham gia ý kiến, phản ánh, kiến nghị với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về những vấn đề Nhân dân quan tâm để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh đó, nhân dân sẽ giám sát hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để bảo đảm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để thực hiện trách nhiệm của mình với Nhân dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

(Quy định tại Điều 8 Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam 2015)

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
1588

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]