27/11/2024 17:43

Ngày 01 tháng 12 là ngày gì? Phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư như thế nào?

Ngày 01 tháng 12 là ngày gì? Phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư như thế nào?

Ngày 01 tháng 12 có phải là Ngày Thế giới phòng chống AIDS? Người nhiễm HIV có những quyền và nghĩa vụ gì? Phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư như thế nào?

1. Ngày 01 tháng 12 là ngày gì? 

Ngày 1 tháng 12 là Ngày Thế giới phòng chống AIDS (World AIDS Day), được diễn ra đầu tiên vào ngày 01/12/1988. Đây là ngày nhằm nâng cao nhận thức về nạn dịch AIDS do việc lây nhiễm HIV, và để tưởng nhớ các nạn nhân đã chết vì HIV/AIDS. 

Dải băng đỏ là biểu tượng toàn cầu cho tình đoàn kết với những người nhiễm HIV và những người bị bệnh AIDS.

Tại Điều 2 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006 có quy định:

AIDS là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh "Acquired Immune Deficiency Syndrome" là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải do HIV gây ra, thường được biểu hiện thông qua các nhiễm trùng cơ hội, các ung thư và có thể dẫn đến tử vong.

Trong đó:

- HIV là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh "Human Immunodeficiency Virus" là vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người, làm cho cơ thể suy giảm khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh.

- Nhiễm trùng cơ hội là nhiễm trùng xảy ra do cơ thể bị suy giảm miễn dịch vì bị nhiễm HIV.

Tại tiểu mục 1 Mục 2 Kế hoạch tổ chức Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 từ ngày 10/11 đến ngày 10/12/2024 ban hành kèm theo Công văn 6678/BYT-UBQG50 năm 2024 quy định, chủ đề Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2024 đó là: “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”.

2. Người nhiễm HIV có những quyền và nghĩa vụ gì?

Theo quy định tại Điều 4 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006 (sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) sửa đổi 2020) thì người nhiễm HIV có những quyền và nghĩa vụ sau đây:

- Người nhiễm HIV có các quyền sau đây:

+ Sống hòa nhập với cộng đồng và xã hội;

+ Được điều trị và chăm sóc sức khỏe;

+ Học văn hoá, học nghề, làm việc;

+ Được giữ bí mật riêng tư liên quan đến HIV/AIDS;

+ Từ chối khám bệnh, chữa bệnh khi đang điều trị bệnh AIDS trong giai đoạn cuối;

+ Các quyền khác theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Người nhiễm HIV có các nghĩa vụ sau đây:

+ Thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm HIV sang người khác;

+ Thông báo kịp thời kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ, chồng, người dự định kết hôn, người chung sống như vợ chồng với mình;

+ Thực hiện các quy định về điều trị khi tham gia điều trị bằng thuốc kháng HIV;

+ Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư như thế nào?

Tại Điều 17 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006 quy định về phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư như sau:

- Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có các trách nhiệm sau đây:

+ Tổ chức các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư, giáo dục sự thương yêu, đùm bọc đối với người nhiễm HIV, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, họ tộc, quê hương, bản sắc văn hoá dân tộc của người Việt Nam;

+ Tổ chức chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV và gia đình họ, tạo điều kiện cho người nhiễm HIV sống hòa nhập với cộng đồng và xã hội;

+ Phát huy vai trò của các tổ trưởng dân phố, trưởng cụm dân cư, trưởng thôn, già làng, trưởng bản, trưởng làng, trưởng ấp, trưởng phum, trưởng sóc, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng các dòng họ, trưởng tộc, các chức sắc tôn giáo, người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng trong việc vận động nhân dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS;

+ Xây dựng và phát triển mô hình gia đình văn hóa, tổ dân phố, cụm dân cư, thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc gắn với việc phòng, chống HIV/AIDS;

+ Tuyên truyền chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ.

- Tổ dân phố, cụm dân cư, thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc có các trách nhiệm sau đây:

+ Tuyên truyền, vận động và giáo dục các gia đình trên địa bàn tham gia và thực hiện các quy định về phòng, chống HIV/AIDS;

+ Lồng ghép hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào phong trào quần chúng, hoạt động thể thao, văn hoá, văn nghệ tại cộng đồng và các hoạt động xã hội khác;

+ Đấu tranh chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ.

- Nhà nước khuyến khích dòng họ, hàng xóm, bạn của người nhiễm HIV động viên về tinh thần, chăm sóc, giúp đỡ và tạo điều kiện cho người nhiễm HIV sống hòa nhập với cộng đồng và xã hội.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
284

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]