16/03/2024 17:19

Ngân hàng được phép xử lý tài sản thế chấp trong trường hợp nào?

Ngân hàng được phép xử lý tài sản thế chấp trong trường hợp nào?

Cho tôi hỏi trong những trường hợp nào thì ngân hàng được phép xử lý tài sản đảm bảo? Bạn Thế Anh (Bình Dương).

Khi vay vốn tại ngân hàng, khách hàng thường sẽ thế chấp tài sản để đảm bảo cho việc trả nợ. Vậy thế chấp tài sản là gì và trong những trường hợp nào ngân hàng được phép xử lý tài sản thế chấp, cùng Ban biên tập tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Thế chấp tài sản là gì?

Theo Điều 317 Bộ luật dân sự 2015 định nghĩa về thế chấp tài sản như sau:

Thế chấp tài sản là việc bên thế chấp dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên nhận thế chấp.

Tài sản thế chấp sẽ do bên thế chấp nắm giữ, hoặc có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.

Như vậy, ta có thể hiểu rằng thế chấp tài sản tại ngân hàng chính là việc bên thế chấp dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ và không giao tài sản cho ngân hàng.

2. Ngân hàng được phép xử lý tài sản thế chấp trong trường hợp nào?

Căn cứ theo Điều 299 Bộ luật dân sự 2015 quy định về các trường hợp có quyền xử lý tài sản bảo đảm như sau:

- Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

- Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.

- Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.

Theo đó, ngân hàng được phép xử lý tài sản thế chấp trong những trường hợp dưới đây:

(1) Đến hạn phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ với ngân hàng, nhưng bên thế chấp không thực hiện, hoặc trả nợ quá thời hạn quy định theo hợp đồng.

Ví dụ: Anh A thực hiện vay thế chấp ngân hàng số tiền là 1 tỷ đồng, nhưng đến hẹn thì anh A không trả nợ được. Khi đó ngân hàng có quyền xử lý tài sản thế chấp của anh A.

(2) Khi bên thế chấp vi phạm nghĩa vụ đã thỏa thuận thì ngân hàng có quyền yêu cầu bên thế chấp phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ trước thời hạn được quy định trong hợp đòng.

Nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện thì ngân hàng được phép xử lý tài sản thế chấp.

Ví dụ: Anh A vay thế chấp ngân hàng 2 tỷ đồng để kinh doanh, nhưng sau đó anh A lại dùng số tiền đó để mua đất mà không phải thực hiện mục đích theo thỏa thuận vay với ngân hàng. Mặc dù chưa hết thời gian trả nợ, nhưng ngân hàng có quyền yêu cầu anh A thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn.

Nếu anh A không thực hiện được thì ngân hàng được phép xử lý tài sản thế chấp của anh A.

(3) Trường hợp do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

3. Phương thức xử lý tài sản thế chấp của ngân hàng

Theo Điều 303 Bộ luật dân sự 2015, Ngân hàng và khách hàng có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản thế chấp sau đây:

- Bán đấu giá tài sản;

- Ngân hàng tự bán tài sản;

- Ngân hàng nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;

- Phương thức khác. Ví dụ như các bên có thể thỏa thuận về việc đưa tài sản bảo đảm vào khai thác hay cho thuê và số tiền thu được từ việc đã thỏa thuận sẽ được sử dụng để thanh toán nghĩa vụ được bảo đảm.

Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.

4. Bên thế chấp nhận lại tài sản thế chấp khi nào?

Theo quy định tại Điều 57 Nghị định 21/2021/NĐ-CP thì khách hàng vay thế chấp tại ngân hàng được nhận lại tài sản thế chấp trong những trường hợp sau đây:

- Trước thời điểm xử lý tài sản thế chấp mà khác hàng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình đối với ngân hàng cho vay và thanh toán chi phí phát sinh do việc chậm thực hiện nghĩa vụ;

- Tài sản thế chấp đã được thay thế, được trao đổi bằng tài sản khác;

- Nghĩa vụ được bảo đảm đã được thanh toán bằng phương thức bù trừ nghĩa vụ;

- Trường hợp khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự 2015, luật khác liên quan quy định tài sản thế chấp không bị xử lý.

Ngoài ra, trong trường hợp nêu trên mà pháp luật về đấu giá tài sản, pháp luật khác liên quan có quy định về nghĩa vụ phải thực hiện trước khi được nhận lại tài sản thế chấp thì bên thế chấp chỉ được nhận lại tài sản sau khi nghĩa vụ này được hoàn thành.

Trân trọng!

Đỗ Minh Hiếu
2036

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn