26/02/2024 18:56

Ngân hàng có bắt buộc phải thẩm định tài sản trước khi cho vay không?

Ngân hàng có bắt buộc phải thẩm định tài sản trước khi cho vay không?

Tôi có dự định vay vốn Ngân hàng để đầu tư kinh doanh, tuy nhiên tài sản đảm bảo không đứng tên của tôi. Vậy cho tôi hỏi, Ngân hàng có bắt buộc phải thẩm định tài sản trước khi vay không? (Quang Đại - Bắc Ninh)

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Ngân hàng có bắt buộc phải thẩm định tài sản trước khi vay không?

Trước khi Ngân hàng xem xét, quyết định cho khách hàng vay thì khách hàng phải đáp ứng đủ các điều kiện sau quy định tại Điều 7 Thông tư 39/2016/TT-NHNN như sau:

- Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.

- Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp.

- Có phương án sử dụng vốn khả thi.

- Có khả năng tài chính để trả nợ.

Để có thể xem xét khách hàng có đáp ứng đủ điều kiện vay vốn hay không? Thông tin, tài sản khách hàng cung cấp không được trung thực, chính xác không? thì Ngân hàng sẽ cần phải thẩm định khả năng đáp ứng các điều kiện vay vốn của khách hàng.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Thông tư 39/2016/TT-NHNN thì:

  1. Tổ chức tín dụng thẩm định khả năng đáp ứng các điều kiện vay vốn của khách hàng theo quy định tại Điều 7 Thông tư 39/2016/TT-NHNN để xem xét quyết định cho vay. Trong quá trình thẩm định, tổ chức tín dụng được sử dụng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, kết hợp với các thông tin tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam, các kênh thông tin khác.

Cụ thể, căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 22 Thông tư 39/2016/TT-NHNN (được sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-NHNN) quy trình thẩm định sẽ được nêu rõ trong quy định nội bộ về cho vay của Ngân hàng bạn muốn vay vốn được thực hiện trong toàn hệ thống, trong đó quy định:

- Thời hạn tối đa thẩm định, quyết định cho vay; phân cấp, ủy quyền và trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong việc thẩm định, phê duyệt, quyết định cho vay, bao gồm quy định đối với cho vay bằng phương tiện điện tử theo quy định tại Điều 32đ Thông tư 39/2016/TT-NHNN (nếu có); các công việc khác thuộc quy trình thẩm định, phê duyệt và quyết định cho vay.

- Trường hợp cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án.

- Trường hợp cho vay để thanh toán tiền nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, phải có biện pháp phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay theo quy định của pháp luật, thỏa thuận của các bên tại thỏa thuận cho vay cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm.

Việc thẩm định tài sản được xem là khâu không thể thiếu trong việc xem xét, quyết định cho vay vốn. Quy trình này sẽ quyết định đến chất lượng khoản vay mà Ngân hàng cấp cho khách hàng và là cơ sở giúp Ngân hàng ra quyết định cho vay chính xác.

Thông qua đó, Ngân hàng sẽ phát hiện, dự đoán các trường hợp xấu có thể dẫn đến rủi ro cho không trả được khoản vay hoặc tình huống xấu nhất cho Ngân hàng, từ đó sẽ phòng ngừa và hạn chế các thiệt hại có thể xảy ra. 

Như vậy, thẩm định tài sản trước khi cho vay là việc Ngân hàng bắt buộc phải làm theo đúng các tiêu chuẩn, quy định của Luật Giá 2023 về thẩm định giá và quy định nội bộ về cho vay của Ngân hàng.

2. Quy trình thẩm định tài sản bảo đảm của Ngân hàng

Tài sản bảo đảm là loại tài sản được bảo đảm dùng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ  đối với bên nhận bảo đảm. Theo đó căn cứ tại Điều 8 Nghị định 21/2021/NĐ-CP, tài sản dùng để thực hiện nghĩa vụ bao gồm:

- Tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan cấm mua bán, cấm chuyển nhượng hoặc cấm chuyển giao khác về quyền sở hữu tại thời điểm xác lập hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm.

- Tài sản bán trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu.

- Tài sản thuộc đối tượng của nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ bị vi phạm đối với biện pháp cầm giữ.

- Tài sản thuộc sở hữu toàn dân trong trường hợp pháp luật liên quan có quy định.

- Thông thường quy trình thẩm định tài sản của Ngân hàng sẽ bao gồm các bước sau:

Bước 1: Nhận hồ sơ tài sản đảm bảo, xác minh thông tin tổng quát và giá trị pháp lý của tài sản đảm bảo.

Bước 2: Lập kế hoạch thẩm định giá, đặt cuộc hẹn với khách hàng đến nơi tài sản hiện hữu để khảo sát thực tế và định giá.

Bước 3: Sử dụng nghiệp vụ riêng theo quy định của Ngân hàng nhằm xác định giá trị tài sản bảo đảm như giá bán niêm yết, giá bán hiện hành, khả năng tăng hoặc giảm giá trị tài sản,,,,

Bước 4: Lập biên bản và báo cáo kết quả thẩm định giá.

Bước 5: Lập hồ sơ thế chấp, đăng ký giao dịch đảm bảo và lưu trữ hồ sơ.

Trân trọng!

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
912

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn