30/08/2024 17:21

Ngân hàng bị rút tiền hàng loạt được cho vay đặc biệt bởi NHNN như thế nào?

Ngân hàng bị rút tiền hàng loạt được cho vay đặc biệt bởi NHNN như thế nào?

Khi các ngân hàng bị khách hàng của mình rút tiền hàng loạt dẫn đến mất khả năng chi trả thì lúc này Ngân hàng Nhà nước hoặc các tổ chức tín dụng khác sẽ cho các ngân hàng này vay đặc biệt. Vậy thì ngân hàng bị rút tiền hàng loạt được cho vay đặc biệt bởi Ngân hàng Nhà nước như thế nào?

Ngày 30/6/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 37/2024/TT-NHNN quy định về cho vay đặc biệt. Trong đó có quy định về trường hợp cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt là ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô để chi trả tiền gửi cho người gửi tiền.

1. Mục đích sử dụng tiền vay đặc biệt là gì?

Theo Điều 9 Thông tư 37/2024/TT-NHNN, mục đích sử dụng tiền vay đặc biệt được chia ra hai trường hợp như sau:

- Trường hợp bên vay đặc biệt là tổ chức tín dụng không được kiểm soát đặc biệt, bên vay đặc biệt chỉ được sử dụng tiền vay đặc biệt để chi trả tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân tại bên vay đặc biệt. 

- Trường hợp bên vay đặc biệt là tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, bên vay đặc biệt chỉ được sử dụng tiền vay đặc biệt để chi trả tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân tại bên vay đặc biệt; việc sử dụng tiền vay đặc biệt để chi trả tiền gửi của người gửi tiền là tổ chức do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định đối với từng bên vay đặc biệt cụ thể trên cơ sở đề xuất của Ban kiểm soát đặc biệt. 

Theo đó, các đối tượng được chi trả trong hai trường hợp trên không bao gồm:

- Người có liên quan của bên vay đặc biệt theo quy định tại khoản 24 Điều 4 của Luật Các tổ chức tín dụng và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về người có liên quan của tổ chức tín dụng; 

- Người điều hành, người quản lý của bên vay đặc biệt theo quy định tại khoản 25, khoản 26 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng, trừ người điều hành, người quản lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử, chỉ định, bổ nhiệm; 

- Người có liên quan của cá nhân, tổ chức là người quản lý, người điều hành, thành viên góp vốn hoặc cổ đông sở hữu từ 5% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên của bên vay đặc biệt theo quy định tại khoản 24 Điều 4 của Luật Các tổ chức tín dụng và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về người có liên quan của cá nhân, tổ chức (nếu có).

2. Số tiền và lãi suất cho vay đặc biệt

Theo đó, tùy vào tình hình khả năng chi trả của ngân hàng đề nghị cho vay đặc biệt mà Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét, quyết định số tiền cho vay đặc biệt.

Về lãi suất cho vay đặc biệt, lãi suất gia hạn thời hạn cho vay đặc biệt bằng lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước áp dụng đối với hình thức cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá (sau đây gọi là lãi suất cho cầm cố của Ngân hàng Nhà nước) tại ngày giải ngân cho vay đặc biệt, ngày bắt đầu gia hạn thời hạn cho vay đặc biệt. 

Lãi suất đối với nợ gốc cho vay đặc biệt quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay đặc biệt trong hạn gần nhất của khoản cho vay đặc biệt. Và không áp dụng lãi suất đối với nợ lãi chậm trả. 

(Quy định tại Điều 10, 12 Thông tư 37/2024/TT-NHNN)

3. Thời hạn cho vay đặc biệt, gia hạn cho vay đặc biệt

Về thời hạn cho vay đặc biệt, ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét và quyết định thời hạn, bảo đảm dưới 12 tháng.

Đồng thời, ngân hàng Nhà nước xem xét việc gia hạn thời hạn cho vay đặc biệt trên cơ sở tình hình khả năng chi trả của bên vay đặc biệt hoặc phương án xử lý khoản vay đặc biệt đã vay tại phương án cơ cấu lại đang trình ngân hàng Nhà nước (nếu có); thời gian gia hạn mỗi lần dưới 12 tháng. 

(Quy định tại Điều 11 Thông tư 37/2024/TT-NHNN)

4. Thứ tự ưu tiên của tài sản bảo đảm cho khoản vay cho vay đặc biệt

Theo đó, khoản cho vay đặc biệt phải có tài sản bảo đảm theo thứ tự ưu tiên như sau:

- Cầm cố: Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước; trái phiếu Chính phủ (gồm: tín phiếu Kho bạc, trái phiếu Kho bạc, trái phiếu công trình Trung ương, công trái xây dựng Tổ quốc, trái phiếu Chính phủ do Ngân hàng Phát triển Việt Nam (trước đây là Quỹ Hỗ trợ phát triển) được Thủ tướng Chính phủ chỉ định phát hành); trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc, lãi khi đến hạn; trái phiếu Chính quyền địa phương trong Danh mục giấy tờ có giá được sử dụng trong các giao dịch của Ngân hàng Nhà nước; 

- Cầm cố trái phiếu được phát hành bởi ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (trừ các ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc); 

- Cầm cố trái phiếu được phát hành bởi tổ chức tín dụng không được kiểm soát đặc biệt (trừ ngân hàng thương mại quy định tại điểm b khoản này), trái phiếu được phát hành bởi doanh nghiệp khác.

(Quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư 37/2024/TT-NHNN)

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
160

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]