07/08/2024 17:49

Nếu người vay tiền qua đời thì nghĩa vụ trả nợ thuộc về ai?

Nếu người vay tiền qua đời thì nghĩa vụ trả nợ thuộc về ai?

Trong trường hợp người vay tiền qua đời thì ai là người có nghĩa vụ phải trả nợ? Nếu vay tiền không trả nợ thì phải xử lý như thế nào?

Theo quy định pháp luật thì bên vay phải có nghĩa vụ trả nợ đầy đủ khoản nợ cho bên cho vay, tuy nhiên trong trường hợp người vay tiền qua đời thì nghĩa vụ trả nợ thuộc về ai, cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

1. Nếu người vay tiền qua đời thì nghĩa vụ trả nợ thuộc về ai?

Căn cứ tại Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:

- Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

- Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Đồng thời, tại Điều 614 Bộ luật dân sự 2015 quy định rằng kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.

Như vậy, người vay tiền phải có nghĩa vụ trả nợ đầy đủ kể cả trong trường hợp người vay không may qua đời, trừ trường hợp được chủ nợ xóa nợ.

Do đó, không có chuyện người vay tiền qua đời thì không phải có nghĩa vụ trả nợ nữa, mà việc trả nợ sẽ được chuyển giao lại cho những người hưởng thừa kế của người vay tiền.

Những người hưởng thừa kế này có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay trong phạm vi di sản do người vay tiền khi mất để lại sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ tài sản và thanh toán các khoản chi phí liên quan đến thừa kế theo thứ tự ưu tiên từ (1) đến (10) được quy định tại Điều 658 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể như sau:

(1) Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng.

(2) Tiền cấp dưỡng còn thiếu.

(3) Chi phí cho việc bảo quản di sản.

(4) Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ.

(5) Tiền công lao động.

(6) Tiền bồi thường thiệt hại.

(7) Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước.

(8) Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân.

(9) Tiền phạt.

(10) Các chi phí khác.

Nghĩa vụ trả nợ không thuộc những ưu tiên hàng đầu, cho nên việc trả nợ thay cho người mất chỉ được thực hiện khi thanh toán xong các nghĩa vụ, chi phí khác mà di sản của người mất vẫn còn.

Chủ nợ có nguy cơ mất tiền hoặc một phần tiền nếu như người vay tiền khi mất không có tài sản hoặc tài sản không đủ để thực hiện các nghĩa vụ, thanh toán các chi phí theo thứ tự ưu tiên.

Tuy nhiên, trong trường hợp hợp đồng vay tiền có thỏa thuận rằng nghĩa vụ trả nợ chỉ do người vay thực hiện thì nếu người vay qua đời, hợp đồng vay tiền sẽ chấm dứt (Căn cứ khoản 3 Điều 422 Bộ luật dân sự 2015). Khi đó người thừa kế không có nghĩa vụ trả nợ cho người vay.

2. Vay tiền không trả nợ bị xử lý như thế nào?

Cũng theo quy định tại Điều 466 Bộ luật dân sự 2015, trong trường hợp vay tiền không trả nợ thì bên vay sẽ bị tính lãi như sau:

- Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

- Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

+ Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015;

+ Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Như vậy, trong trường hợp đến hạn mà không trả nợ thì bị xử lý như sau:

- Nếu vay tiền không trả đối với khoản vay không có lãi: Bên cho vay được yêu cầu bên vay phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015.

- Nếu vay tiền không trả đối với khoản vay có lãi:

+ Trả lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả.

+ Trả lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất cho vay theo hợp đồng tính trên nợ gốc quá hạn chưa trả tương ứng với thời gian chậm trả.

Trân trọng!

Đỗ Minh Hiếu
10

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn