15/10/2024 17:49

Nâng mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp rà phá bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh từ 01/12/2024

Nâng mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp rà phá bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh từ 01/12/2024

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp nội dung về nâng mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp rà phá bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh từ 01/12/2024.

Những đối tượng nào sẽ được hưởng bồi dưỡng khi trực tiếp rà phá bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh?

Ngày 14/10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 16/2024/QĐ-TTg về chế độ bồi dưỡng đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh.

Theo quy định tại Điều 2 Quyết định 16/2024/QĐ-TTg về đối tượng áp dụng như sau:

Đối tượng áp dụng

1. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, cán bộ, công chức, viên chức được cấp có thẩm quyền giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ.

2. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến thực hiện nhiệm vụ khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh.

Như vậy, những đối tượng sẽ được hưởng bồi dưỡng khi trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh bao gồm:

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, cán bộ, công chức, viên chức được cấp có thẩm quyền giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ.

- Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến thực hiện nhiệm vụ khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh.

Nâng mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp rà phá bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh từ 01/12/2024

Theo đó, tại Điều 3 Quyết định 16/2024/QĐ-TTg quy định về chế độ bồi dưỡng đối với đối tượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh như sau:

Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Quyết định 16/2024/QĐ-TTg ngoài chế độ tiền lương, phụ cấp (nếu có) và các chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật, được hưởng chế độ bồi dưỡng mức 350.000 đồng/người/ngày, tính theo ngày thực tế trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại khu vực khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ.

Trong ngày thực tế làm việc, nếu thời gian trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại khu vực khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ dưới 04 giờ thì được tính bằng một nửa ngày; từ đủ 04 giờ trở lên được tính 01 ngày.

Hiện nay, mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp rà phá bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh được quy định tại khoản 2 Điều 1 Quyết định 122/2007/QĐ-TTg sửa đổi bởi Điều 1 Quyết định 30/2013/QĐ-TTg như sau:

Quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng biên chế thuộc các đơn vị công binh chuyên trách trực tiếp thực hiện nhiệm vụ rà phá bom, mìn, vật nổ được hưởng các chế độ như sau:

1. Hưởng nguyên lương theo ngạch bậc, cấp bậc, quân hàm và phụ cấp lương (nếu có); được hưởng các chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật.

2. Hưởng sinh hoạt phí mức 180.000 đồng/người/ngày, tính theo ngày thực tế thực hiện nhiệm vụ tại khu vực dò tìm, xử lý bom, mìn, vật nổ.

Như vậy, từ 01/12, người trực tiếp rà phá bom, mìn sẽ được hưởng chế độ bồi dưỡng mức 350.000 đồng/người/ngày, tính theo ngày thực tế trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại khu vực khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ.

Các hình thức tuyên truyền, giáo dục về phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ sau chiến tranh

Theo quy định tại Điều 25 Nghị định 18/2019/NĐ-CP về tuyên truyền, giáo dục về phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ sau chiến tranh như sau:

- Tuyên truyền, giáo dục về phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ sau chiến tranh nhằm cung cấp kiến thức về các loại bom mìn vật nổ, tác hại của bom mìn vật nổ, biện pháp phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực hiện phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ và quy định của pháp luật có liên quan.

- Việc tuyên truyền, giáo dục về phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ sau chiến tranh được thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp với các đối tượng, bao gồm:

+ Thông qua trang thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương và các phương tiện thông tin đại chúng;

+ Xây dựng tài liệu chuyên đề, tạp chí, tờ rơi về hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh, trong đó có tài liệu bằng tiếng dân tộc;

+ Tổ chức triển lãm, hội thảo, tập huấn, diễn tập tuyên truyền, giáo dục về phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ sau chiến tranh;

+ Lồng ghép kiến thức tuyên truyền, giáo dục về phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ sau chiến tranh vào chương trình giáo dục công dân và giáo dục quốc phòng của các cấp học tại các địa phương có ô nhiễm bom mìn vật nổ;

+ Tổ chức diễn đàn để phổ biến rộng rãi về chính sách, pháp luật, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ sau chiến tranh.

Nguyễn Ngọc Trầm
116

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]