Tại khoản 4 Điều 11 Luật Trật tự, an toàn giao thông 2024 có quy định về tín hiệu đèn giao thông gồm có 03 màu, gồm: màu xanh, màu vàng, màu đỏ; có hiển thị thời gian hoặc không hiển thị thời gian.
Theo đó, người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành như sau:
+ Tín hiệu đèn màu xanh là được đi; trường hợp người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang đi ở lòng đường, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường;
+ Tín hiệu đèn màu vàng phải dừng lại trước vạch dừng; trường hợp đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà tín hiệu đèn màu vàng thì được đi tiếp;
Trường hợp tín hiệu đèn màu vàng nhấp nháy, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ được đi nhưng phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường hoặc các phương tiện khác;
+ Tín hiệu đèn màu đỏ là cấm đi.
Như vậy, người điều khiển phương tiện giao thông khi thấy đèn xanh chuyển sang đèn vàng thì phải dừng lại trước vạch dừng trừ trường hợp đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng thì sẽ được đi tiếp.
Nếu người điều khiển phương tiện giao thông vượt đèn vàng khi chưa tới vạch dừng thì sẽ bị xử phạt lỗi không chấp hành tín hiệu đèn giao thông.
Trường hợp tín hiệu đèn màu vàng nhấp nháy thì vẫn được đi nhưng phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường.
Căn cứ Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định mức phạt của lỗi vượt đèn vàng là lỗi của hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông như sau:
Phương tiện | Hành vi | Mức phạt | CCPL |
Xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô | Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông | - Phạt tiền từ 18.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng - Trừ điểm giấy phép lái xe 04 điểm | Điểm b khoản 9, điểm b khoản 16 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP |
Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông mà gây tai nạn giao thông | - Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 22.000.000 đồng. - Trừ điểm giấy phép lái xe 10 điểm | Điểm b khoản 10, điểm d khoản 16 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP | |
Xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy | Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông | - Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng. - Trừ điểm giấy phép lái xe 04 điểm | Điểm c khoản 7 điểm b khoản 13 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP |
Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông mà gây tai nạn giao thông | - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng. - Trừ điểm giấy phép lái xe 10 điểm | Điểm b khoản 10, điểm d khoản 13 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP | |
Xe máy chuyên dùng | Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông | Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng | Điểm c khoản 7 Điều 8 Nghị định 168/2024/NĐ-CP |
Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông mà gây tai nạn giao thông | Phạt tiền từ 14.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng | Điểm d khoản 8 Điều 8 Nghị định 168/2024/NĐ-CP | |
Xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác | Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông | Phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng | Điểm đ khoản 2 Điều 9 Nghị định 168/2024/NĐ-CP |
Theo Điều 4 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ như sau:
Điều 4. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính; hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 01 năm.
2. Thời hạn sử dụng kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để xác định cá nhân, tổ chức vi phạm được tính từ thời điểm phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật của cá nhân, tổ chức ghi nhận được kết quả cho đến hết ngày cuối cùng của thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Quá thời hạn nêu trên mà người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt theo quy định thì kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp không còn giá trị sử dụng. Trường hợp cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hạn sử dụng kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.
Theo quy định trên, thời hiệu xử phạt vi phạm giao thông là 01 năm.