Chào bạn, Ban biên tập xin giải đáp như sau:
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) thì người điều khiển xe cơ giới bao gồm xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô bị phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực;
- Không mang theo Giấy đăng ký xe;
- Không mang theo Giấy phép lái xe (Đối với người điều khiển xe mô tô và các loại xe tương tự xe mô tô), ngoại trừ trường hợp có Giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp (trừ Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia;
Như vậy, trong trường hợp người điều khiển phương tiện quên mang theo cà vẹt xe máy (Giấy đăng ký xe) thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
Căn cứ theo khoản 3 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, trong trường hợp tại thời điểm kiểm tra mà người điều khiển phương tiện không xuất trình được cà vẹt xe máy thì xử lý như sau:
- Người có thẩm quyền tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện về hành vi không có giấy tờ (tương ứng với những loại giấy tờ không xuất trình được), đồng thời lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ phương tiện về những hành vi vi phạm tương ứng quy định tại Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) và tạm giữ phương tiện theo quy định;
- Trong thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, nếu người vi phạm xuất trình được các giấy tờ theo quy định thì người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt về hành vi không mang theo giấy tờ đối với người điều khiển phương tiện (không xử phạt đối với chủ phương tiện);
- Quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm mới xuất trình được hoặc không xuất trình được giấy tờ theo quy định thì phải chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định đối với các hành vi vi phạm đã ghi trong biên bản vi phạm hành chính.
Do đó, cảnh sát giao thông hoàn toàn có quyền tạm giữ xe trong trường hợp người điều khiển phương tiện quên mang theo cà vẹt xe máy.
Thêm vào đó, trong trường hợp đến thời hẹn đến giải quyết vụ việc ghi trong biên bản vi phạm hành chính nhưng người vi phạm vẫn không xuất trình cà vẹt xe máy, hoặc xuất trình quá thời hạn giải quyết thì phải chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không có cà vẹt xe.
Khi áp dụng mức phạt đối với hành vi này, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng (Theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Điểm m Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Theo khoản 1 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ( sửa đổi bởi điểm a Khoản 32 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP ) và khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi năm 2020) quy định về thời hạn tạm giữ xe đối với trường hợp quên mang cà vẹt xe máy như sau:
- Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ;
Trường hợp vụ việc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn tạm giữ không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ.
- Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 66 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi năm 2020) nhưng không quá 01 tháng, kể từ ngày tạm giữ.
Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 66 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi năm 2020) thì thời hạn tạm giữ có thể được tiếp tục kéo dài nhưng không quá 02 tháng, kể từ ngày tạm giữ.
- Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề được tính từ thời điểm tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ thực tế.
- Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm; hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không vượt quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 66 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi năm 2020).
Trường hợp tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt quy định tại điểm này thì thời hạn tạm giữ kết thúc khi quyết định xử phạt được thi hành xong.
- Người có thẩm quyền tạm giữ phải ra quyết định tạm giữ, kéo dài thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Vậy nên thời hạn tạm giữ phương tiện trong trường hợp quên mang theo cà vẹt xe máy sẽ là không quá 07 ngày làm việc kể từ ngày tạm giữ, hoặc 10 ngày nếu vụ việc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt.
Đối với những trường hợp quy định tại Điều 66 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi năm 2020) thì thời hạn tạm giữ xe có thể kéo dài, nhưng không được quá 02 tháng kể từ ngày tạm giữ.
Trân trọng!