02/03/2024 16:12

Năm 2024, người điểu khiển xe máy lắp 1 gương có bị phạt không?

Năm 2024, người điểu khiển xe máy lắp 1 gương có bị phạt không?

Tôi bắt gặp nhiều người lái xe máy chạy trên đường nhưng chỉ lắp một gương chiếu hậu bên trái. Vậy trường hợp trên có bị xử phạt không? Trúc Quyên – Thanh Hóa.

Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:

>> Xem thêm: 

Nộp tiền phạt vi phạm giao thông có được trả góp không?

Năm 2024, quên mang cà vẹt xe máy bị phạt bao nhiêu tiền?

Gương chiếu hậu xe máy, hay còn gọi là kính chiếu hậu, là một bộ phận quan trọng trên xe máy, được lắp đặt ở phần đầu xe, phía trên hai tay lái. Gương chiếu hậu có tác dụng giúp người điều khiển xe dễ dàng quan sát những phương tiện di chuyển phía đằng sau, hai bên sườn xe, nằm ngoài tầm nhìn trực tiếp của họ, đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.

Theo đó, một số công dụng chính của gương chiếu hậu xe máy như:

- Mở rộng tầm nhìn: Giúp người lái quan sát được các phương tiện phía sau và hai bên, hạn chế điểm mù, giảm thiểu nguy cơ va chạm.

- Đánh giá tình huống giao thông: Nhờ gương chiếu hậu, người lái có thể nhận biết được các phương tiện đang di chuyển xung quanh, từ đó đưa ra quyết định xử lý phù hợp khi cần thiết.

Hiện nay, có hai loại gương chiếu hậu phổ biến cho xe máy:

- Gương phẳng: Cho hình ảnh chân thực, ít bị méo mó, nhưng có diện tích soi chiếu nhỏ hơn.

- Gương cầu lồi: Cho hình ảnh rộng hơn, giúp quan sát được nhiều khu vực hơn, nhưng hình ảnh có thể bị méo mó một chút.

Như vậy, gương chiếu hậu xe máy là bộ phận không thể thiếu trên mỗi chiếc xe, giúp người lái quan sát phía sau, hai bên sườn xe, mở rộng tầm nhìn, đánh giá tình huống giao thông.

2. Năm 2024, người điểu khiển xe máy lắp 1 gương có bị phạt không?

Tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về việc xử phạt hành chính đối với trường hợp xe máy lắp 1 gương chiếu hậu như sau:

Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Điều khiển xe không có còi; đèn soi biển số; đèn báo hãm; gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng;

- Điều khiển xe không có đèn tín hiệu hoặc có nhưng không có tác dụng;

- Sử dụng còi không đúng quy chuẩn kỹ thuật cho từng loại xe;

- Điều khiển xe không có bộ phận giảm thanh, giảm khói hoặc có nhưng không bảo đảm quy chuẩn môi trường về khí thải, tiếng ồn;

- Điều khiển xe không có đèn chiếu sáng gần, xa hoặc có nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn thiết kế;

- Điều khiển xe không có hệ thống hãm hoặc có nhưng không có tác dụng, không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật;

- Điều khiển xe lắp đèn chiếu sáng về phía sau xe.

Như vậy, theo quy định trên nếu người điển khiển xe máy lắp thiếu gương chiếu hậu bên trái hoặc có nhưng không có tác dụng thì bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng.

Còn đối với trường hợp người điển khiển xe máy lắp thiếu gương bên phải thì không có quy định bị xử phạt.

3. Quy định kỹ thuật của gương chiếu hậu

Tại QCVN 28:2010/BGTVT, gương chiếu hậu cần đáp ứng một số quy định kỹ thuật như:

- Tất cả các gương phải điều chỉnh được vùng quan sát.

- Mép của bề mặt phản xạ gương phải nằm trong vỏ bảo vệ (đế gương) và mép của vỏ bảo vệ phải có bán kính cong “c” có giá trị không nhỏ hơn 2,5 mm tại mọi điểm và theo mọi hướng.

Nếu bề mặt phản xạ nhô ra khỏi vỏ bảo vệ thì bán kính cong “c” của mép biên của phần nhô ra không được nhỏ hơn 2,5 mm và phải di chuyển được vào phía trong của vỏ bảo vệ khi tác dụng một lực 50 N vào điểm ngoài cùng của phần nhô ra lớn nhất so với vỏ bảo vệ theo hướng vuông góc với mặt phản xạ gương.

- Tất cả các bộ phận của gương phải có bán kính cong “c” không nhỏ hơn 2,5 mm.

Mép của các lỗ để lắp đặt hay là các chỗ lõm có chiều rộng nhỏ hơn 12 mm thì không cần phải áp dụng các yêu cầu về bán kính trên nhưng phải được làm cùn cạnh sắc.

- Các bộ phận của gương chiếu hậu được làm bằng vật liệu có độ cứng không lớn hơn 60 Shore A thì không phải áp dụng các yêu cầu nêu trong 2.1.2 và 2.1.3.

- Diện tích của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 69 cm2.

- Trong trường hợp gương tròn, đường kính của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 94 mm và không được lớn hơn 150 mm.

- Trong trường hợp gương không tròn kích thước của bề mặt phản xạ phải đủ lớn để chứa được một hình tròn nội tiếp có đường kính 78 mm, nhưng phải nằm được trong một hình chữ nhật có kích thước 120 mm x 200 mm.

Trân trọng!

Nguyễn Ngọc Trầm
18298

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn