20/03/2024 10:53

Muốn treo băng-rôn quảng cáo thì cần lưu ý những gì và cần xin phép hay không?

Muốn treo băng-rôn quảng cáo thì cần lưu ý những gì và cần xin phép hay không?

Công ty tôi hiện đang có nhu cầu treo băng-rôn, thì không biết khi treo băng-rôn quảng cáo cần lưu ý những gì cần xin phép hay không? (Nam Anh - Hà Tĩnh)

Hiện nay, việc quảng cáo sản phẩm đang được chú ý nhiều hơn, với các cách thức hiện đại thông qua Internet thì việc dán băng rôn quảng cáo cũng là một hình thức quảng cáo thông dụng. Vậy để treo băng rôn quảng cáo thì cần những lưu ý gì và cần xin phép hay không thì mời bạn theo dõi bài viết sau.

1. Băng-rôn quảng cáo là gì? Có được phép treo băng rôn hay không?

Băng-rôn quảng cáo (bandroll) là dải biểu ngữ hoặc dạng băng có chứa nội dung, hình ảnh và thông điệp của sản phẩm, dịch vụ hoặc doanh nghiệp nhằm mục đích thu hút và truyền tải thông tin tới các khách hàng.

Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân. (Căn cứ Khoản 1 Điều 2 Luật Quảng cáo 2012)

Tại Điều 7 Luật Quảng cáo 2012 quy định về những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo như sau: 

- Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.

- Thuốc lá.

- Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên.

- Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo.

- Thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc.

- Các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục.

- Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực.

- Các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác do Chính phủ quy định khi có phát sinh trên thực tế.

Từ những quy định trên, có thể thấy ngoài trừ những trường hợp bị cấm thì băng rôn quảng cáo được phép treo với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phù hợp với chuẩn mực xã hội.

2. Băng-rôn quảng cáo cần tuân thủ những quy định gì?

Theo Điều 27 Luật Quảng cáo 2012 về quảng cáo trên băng-rôn cần tuân thủ những quy định sau:

- Việc đặt băng-rôn cần tuân thủ quy định nơi đặt, không che khuất tín hiệu giao thông, bảng chỉ dẫn cộng cộng, không chắn ngang qua đường, tuân thủ quy hoạch quảng cáo cũng như quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

- Các sản phẩm quảng cáo trên băng-rôn phải ghi rõ tên và địa chỉ người thực hiện.

- Đối với những băng-rôn có nội dung tuyên truyển, cổ động chính trị, chính sách xã hội thì cần tuân theo những quy định như biểu tượng, lô-gô, nhãn hiệu hàng hóa của người quảng cáo phải đặt ở phía dưới cùng đối với băng-rôn dọc và phía bên phải đối với băng-rôn ngang, ngoài ra diện tích thể hiện không được quá 20% diện tích băng-rôn.

Trên đây là những quy định về quảng cáo trên băng-rôn. Khi thực hiện quảng cáo trên băng-rôn cần thực hiện đúng theo quy định pháp luật để được phép treo.

3. Việc treo băng-rôn quảng cáo cần xin phép hay không?

Trình tự thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn theo Điều 30 Luật Quảng cáo 2012 như sau:

Tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn phải gửi hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo đến cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương trước khi thực hiện quảng cáo 15 ngày.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương xác nhận về việc nhận hồ sơ, nếu không có ý kiến trả lời thì tổ chức, cá nhân được thực hiện sản phẩm quảng cáo đã thông báo. Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương không đồng ý, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn theo Điều 29 Luật Quảng cáo 2012 gồm:

- Văn bản thông báo sản phẩm quảng cáo ghi rõ nội dung, thời gian, địa điểm quảng cáo, số lượng bảng quảng cáo, băng-rôn.

- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của người quảng cáo trong trường hợp tự thực hiện quảng cáo.

- Bản sao giấy tờ chứng minh sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ theo quy định của pháp luật hoặc giấy tờ chứng minh đủ điều kiện để quảng cáo theo quy định tại Điều 20 của Luật này.

- Bản sao văn bản về việc tổ chức sự kiện của đơn vị tổ chức trong trường hợp quảng cáo cho sự kiện, chính sách xã hội.

- Ma-két sản phẩm quảng cáo in mầu có chữ ký của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo hoặc chữ ký của người quảng cáo trong trường hợp tự thực hiện quảng cáo. Trong trường hợp người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người quảng cáo là tổ chức thì phải có dấu của tổ chức.

- Văn bản chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng bảng quảng cáo; quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng địa điểm quảng cáo đối với băng-rôn.

- Bản phối cảnh vị trí đặt bảng quảng cáo.

- Bản sao giấy phép xây dựng công trình quảng cáo đối với loại bảng quảng cáo phải có giấy phép xây dựng theo quy định tại khoản 2 Điều 31 của Luật này.

Cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo ở địa phương theo Điểm a Khoản 2 Điều 9 Thông tư 10/2013/TT-BVHTTDL là:

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp nhận và xử lý hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn theo quy trình sau đây:

a) Trực tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo và băng-rôn

Như vậy, để xin phép treo băng-rôn quảng cáo thì đầu tiên cần chuẩn bị hồ sơ theo quy định và gửi hồ sơ về Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Trân trọng!

Phạm Thị Thu Hà
720

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn