Đầu tiên, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là cá nhân cư trú có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Định nghĩa này được quy định tại khoản 1, Điều 2 Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Theo đó, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bao gồm cả 05 trường hợp sau:
- Hành nghề độc lập trong những lĩnh vực, ngành nghề được cấp giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật;
- Hoạt động đại lý bán đúng giá đối với đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, đại lý bán hàng đa cấp của cá nhân trực tiếp ký hợp đồng với doanh nghiệp xổ số, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bán hàng đa cấp;
- Hợp tác kinh doanh với tổ chức;
- Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản không đáp ứng điều kiện được miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế GTGT, thuế TNCN;
- Hoạt động thương mại điện tử, bao gồm cả trường hợp cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử.
Như vậy, căn cứ vào điểm đ, khoản 1, Điều 2 Thông tư 40/2021/TT-BTC, những cá nhân cư trú có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh hoạt động thương mại điện tử và những cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử đều được gọi là cá nhân, hộ kinh doanh online.
Những cá nhân, hộ kinh doanh online có trách nhiệm nộp lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân theo nếu những cá nhân, hộ kinh doanh online đó thuộc các trường hợp sau đây:
Về lệ phí môn bài:
Căn cứ theo Khoản 1, Điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc trường hợp được miễn lệ phí môn bài;
Đồng thời, theo Khoản 2 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP (được bổ sung bởi Điểm a Khoản 2 Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP) mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:
- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm;
- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm;
- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm.
- Doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế giá trị gia tăng và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định pháp luật về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.
Danh mục các ngành nghề tính thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân theo tỉ lệ % trên doanh thu đối với cá nhân kinh doanh được liệt kê tại Phụ lục 01 (Ban hành kèm theo Thông tư 92/2015/TT-BTC).
Phụ lục 01 Thông tư 92/2015/TT-BTC: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/Phu-luc-I-thong-tu%2092-2015-TT-BTC.docx
Như vậy, không phải tất cả các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh online đều phải nộp lệ phí môn bài; thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng. Những cá nhân, hộ kinh doanh online có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở lên có nghĩa vụ nộp lệ phí môn bài và nộp thuế như pháp luật đã quy định.
Như đã nêu ở trên, những cá nhân, hộ kinh doanh online có nghĩa vụ nộp thuế phải nộp thuế đúng và đủ theo quy định pháp luật. Trường hợp nộp chậm thuế, những đối tượng này sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt Theo khoản 1 Điều 42 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định mức phạt chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn như sau:
- Tổ chức, cá nhân chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thì bị tính tiền chậm nộp tiền phạt theo mức 0,05%/ngày tính trên số tiền phạt chậm nộp.
- Số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ quy định và được tính từ ngày kế tiếp ngày hết thời hạn nộp tiền phạt đến ngày liền kề trước ngày tổ chức, cá nhân nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, có 02 trường hợp không tính tiền chậm nộp tiền phạt theo khoản 2 Điều 42 Nghị định 125/2020/NĐ-CP bao gồm:
- Trong thời gian được hoãn thi hành quyết định phạt tiền;
- Trong thời gian xem xét, quyết định giảm, miễn tiền phạt.
Như vậy, việc nộp thuế đúng hạn theo quy định của pháp luật là trách nhiệm của mỗi cá nhân, hộ kinh doanh online. Việc hiểu rõ và đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế là cần thiết để tránh những sai phạm cũng như phạt vi phạm hành chính theo quy định.