21/02/2025 17:38

Mục tiêu phát triển tiềm lực khoa học công nghệ hạt nhân đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050

Quan điểm phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thế nào? Mục tiêu phát triển tiềm lực khoa học công nghệ hạt nhân theo Quyết định 245 ra sao?

Đây là một trong những mục tiêu quan trọng tại Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 245/QĐ-TTg 2025. Trong đó quy định cụ thể như sau:

Quan điểm phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử

- Đẩy mạnh, mở rộng ứng dụng năng lượng nguyên tử, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất và dịch vụ,sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân.

- Đảm tính cân đối, đồng bộ, hiệu quả, liên kết, liên ngành phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển của các ngành và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, vùng và quốc gia, xu hướng phát triển khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế trong việc phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử.

- Ưu tiên đầu tư cho tiềm lực khoa học và công nghệ hạt nhân, bảo đảm cho công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ và triển khai ứng dụng phục vụ hiệu quả phát triển các ngành, lĩnh vực.

- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên cơ sở phát huy tối đa nội lực và nâng cao năng lực quốc gia về năng lượng nguyên tử.

- Đầu tư của Nhà nước có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào cơ sở hạ tầng nền tảng, bảo đảm đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật với phát triển nhân lực;

- Khuyến khích đầu tư xã hội, đầu tư nước ngoài vào các ứng dụng năng lượng nguyên tử để phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm các nguồn lực cần thiết cho việc triển khai Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Mục tiêu phát triển tiềm lực khoa học công nghệ hạt nhân đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050 (hình từ internet) 

Mục tiêu tổng quát phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ hạt nhân, đào tạo nguồn nhân lực, bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân

- Mục tiêu đến năm 2030

+ Tái cấu trúc chức năng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ sở nghiên cứu và đào tạo hiện có đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và chất lượng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ hạt nhân trong các ngành, lĩnh vực;

+ Nâng cao năng lực hỗ trợ kỹ thuật phục vụ công tác bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân trong phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử và triển khai Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

- Tầm nhìn đến năm 2050

+ Đến năm 2050, tiềm lực, trình độ khoa học và công nghệ hạt nhân của Việt Nam được phát triển ngang bằng với mức trung bình của các nước phát triển, có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao

+ Bảo đảm nền tảng cho phát triển ứng dụng bức xạ, đồng vị phóng xạ và điện hạt nhân, góp phần quan trọng và hiệu quả đối với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường và thực hiện Chương trình phát triển điện hạt nhân quốc gia.

Mục tiêu cụ thể phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ hạt nhân, đào tạo nguồn nhân lực, bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân đến năm 2030

- Nâng cấp và xây dựng mới một số phòng thí nghiệm hiện đại về nghiên cứu, ứng dụng khoa học và kỹ thuật hạt nhân trong các ngành, lĩnh vực; sản xuất đồng vị phóng xạ, công nghệ bức xạ, thiết kế, chế tạo và nội địa hóa các thiết bị bức xạ và thiết bị ghi đo bức xạ;

- Đổi mới các chương trình đào tạo phù hợp với chuẩn mực quốc tế, bổ sung các chuyên ngành mới, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật tại các cơ sở đào tạo hiện có;

- Nâng cao năng lực thẩm định, đánh giá, thanh tra an toàn, an ninh, thanh sát và giám định hạt nhân; hoàn thiện và bảo đảm hoạt động của mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia, hệ thống phòng chuẩn liều phóng xạ ion hóa quốc gia, hệ thống quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng trên toàn quốc đáp ứng yêu cầu phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử và triển khai Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận;

- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về năng lượng nguyên tử, từng bước nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên phù hợp với tiến độ triển khai Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận;

- Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân.

Giải pháp về bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân

- Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn, an ninh hạt nhân;

- Tăng cường năng lực cho cơ quan pháp quy hạt nhân và các tổ chức hỗ trợ kỹ thuật về đảm bảo an toàn, an ninh hạt nhân;

- Quản lý an toàn chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng. Loại bỏ dần các thiết bị bức xạ lạc hậu, khuyến khích ứng dụng các thiết bị bức xạ công nghệ cao, tiên tiến;

- Tăng cường kiểm soát công tác đảm bảo chất lượng, kiểm tra chất lượng và thực hiện văn hóa an toàn, an ninh hạt nhân tại các cơ sở bức xạ, cơ sở hạt nhân và các hoạt động sử dụng nguồn bức xạ.

Theo đó, Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề cập những mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể và giải pháp nhằm phát triển triển tiềm lực khoa học và công nghệ hạt nhân, đào tạo nguồn nhân lực, bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân theo các nội dung nêu trên.

Nguyễn Mai Xuân Hà
1

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]