Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:
Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008 về giải thích từ ngữ làn đường như sau:
“Làn đường là một phần của phần đường xe chạy được chia theo chiều dọc của đường, có bề rộng đủ cho xe chạy an toàn”.
Theo đó, làn đường được sử dụng như sau:
- Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.
- Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái.
- Phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải.
(Căn cứ Điều 13 Luật giao thông đường bộ 2008)
Bên cạnh đó, người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.
Như vậy, làn đường là một phần của phần đường xe chạy được chia theo chiều dọc của đường, có bề rộng đủ cho xe chạy an toàn. Người tham gia giao thông phải tuân thủ các quy định về làn đường và hệ thống báo hiệu đường bộ.
Tại Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi điểm đ khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau:
- Vượt xe trong những trường hợp không được vượt, vượt xe tại đoạn đường có biển báo hiệu có nội dung cấm vượt (đối với loại phương tiện đang điều khiển); không có báo hiệu trước khi vượt; vượt bên phải xe khác trong trường hợp không được phép, trừ trường hợp tại đoạn đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường mà xe chạy trên làn đường bên phải chạy nhanh hơn xe đang chạy trên làn đường bên trái;
- Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều) trừ hành vi quy định tại điểm c khoản 4 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP; điều khiển xe đi qua dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy; điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà;
- Không tuân thủ các quy định khi vào hoặc ra đường cao tốc; điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc; chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc; không tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước khi chạy trên đường cao tốc;
Như vậy, người điều khiển xe ô tô đi sai làn đường sẽ bị xử phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, trường hợp người điều khiển ô tô vi phạm lỗi sai làn đường và gây tai nạn sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 - 12.000.000 đồng (điểm a khoản 7 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Theo điểm g khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP người điều khiển xe máy bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với lỗi đi sai làn đường, cụ thể như sau:
“Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều); điều khiển xe đi qua dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy; điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà”.
Do đó, người điều khiển xe máy đi sai làn đường sẽ bị xử phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
Bên cạnh đó, trường hợp người điều khiển xe máy vi phạm lỗi sai làn đường và gây tai nạn sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (điểm b khoản 7 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Trân trọng!