Hiện nay, tình trạng độ xe đang diễn ra ngày càng phổ biến, dẫn đến làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn khi tham gia giao thông cũng như ảnh hưởng đến những người xung quanh. Vậy, mức phạt hành vi độ xe máy, xe mô tô hiện nay là bao nhiêu và độ xe như thế nào để không bị phạt, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Theo khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi điểm d khoản 17 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định thì cá nhân là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự khác sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy; đưa phương tiện đã bị cắt, hàn, đục lại số khung, số máy trái quy định tham gia giao thông;
- Tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo hồ sơ đăng ký xe;
- Tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe;
- Khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được cấp lại biển số, Giấy đăng ký xe;
- Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng);
- Không chấp hành việc thu hồi Giấy đăng ký xe, biển số xe theo quy định;
- Đưa phương tiện không có Giấy đăng ký xe tham gia giao thông hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng; đưa phương tiện có Giấy chứng nhận đăng ký xe tạm thời, phương tiện có phạm vi hoạt động hạn chế tham gia giao thông quá thời hạn, tuyến đường, phạm vi cho phép;
- Đưa phương tiện có Giấy đăng ký xe nhưng không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc bị tẩy xóa tham gia giao thông; đưa phương tiện có Giấy đăng ký xe nhưng không đúng với số khung số máy của xe tham gia giao thông;
- Lắp đặt, sử dụng thiết bị thay đổi biển số trên xe trái quy định;
- Đưa phương tiện không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải gắn biển số) tham gia giao thông; đưa phương tiện gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp tham gia giao thông.
Cũng theo khoản 1 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định rằng cá nhân có hành vi tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn của xe mô tô, xe gắn máy không đúng quy định thì sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng.
Như vậy, hiện nay nếu cá nhân có hành vi tự ý độ xe máy, xe mô tô thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền như sau:
- Phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng nếu có hành vi tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn của xe;
- Phạt từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng nếu có hành vi tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe.
Qua đó, ta có thể thấy hành vi tự ý độ xe máy hay các loại xe khác tại Việt Nam là hành vi bị nghiêm cấm vì có thể gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông khác. Tùy vào mức độ hành vi vi phạm mà cá nhân có thể bị chịu mức xử phạt vi phạm hành chính khác nhau, tối đa lên đến 2 triệu đồng.
Như đã đề cập ở trên, cá nhân hoặc tổ chức sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật nếu tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính, nhãn hiệu và màu sơn của xe.
Nhưng không phải hành vi độ xe nào cũng sẽ bị cấm, chẳng hạn như việc có thể thay đổi màu sơn xe máy so với nguyên bản bằng cách đưa xe đến Công an xã, phường, thị trấn để làm thủ tục đổi màu sơn xe.
Pháp luật Việt Nam hiện nay không có quy định cấm đối với việc thay đổi một số phụ kiện bên ngoài mà không làm thay đổi kết cấu, cấu tạo cũng như vẫn đảm bảo yêu cầu về kĩ thuật và độ an toàn của xe. Do đó nếu độ xe máy theo phương án này thì sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Nhưng nếu việc độ xe máy làm ảnh hưởng đến kết cấu của xe như khung, máy, hình dáng,... thì sẽ bị xem là hành vi vi phạm pháp luật.
Trân trọng!