05/07/2024 14:02

Mức phạt đối với hành vi không bật đèn xe vào ban đêm là bao nhiêu?

Mức phạt đối với hành vi không bật đèn xe vào ban đêm là bao nhiêu?

Mức phạt đối với hành vi không bật đèn xe vào ban đêm là bao nhiêu? Xe máy, xe ô tô khi tham gia giao thông cần đáp ứng điều kiện gì?

Đèn xe là một bộ phận không thể thiếu trên xe, nó giúp đảm bảo tầm nhìn cho tài xế khi di chuyển vào ban đêm, trong điều kiện thời tiết xấu, sương mù,.. đồng thời cũng giúp các xe khác nhận biết có phương tiện di chuyển. Vậy nếu không bật đèn xe vào ban đêm thì người vi phạm sẽ bị phạt bao nhiêu tiền, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Mức phạt đối với hành vi không bật đèn xe vào ban đêm là bao nhiêu?

Theo Điều 5, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) thì người điều khiển phương tiện bắt buộc phải bật đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau. Đồng thời khi chạy xe trong hầm đường bộ hoặc khi chạy xe trong điều kiện sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn thì người điều khiển phương tiện bắt buộc phải bật đèn chiếu sáng mà không cần biết là mấy giờ.

Trong trường hợp người điều khiển phương tiện không bật đèn xe vào ban đêm hoặc trong các trường hợp đặc biệt đã như đã nêu ở trên thì người đó có thể bị xử phạt theo mức phạt sau:

Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy hoặc các loại xe tương tự (kể cả xe máy điện):

Phạt tiền từ 100.000 đồng - 200.000 đồng đối với hành vi không sử dụng đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn.

Phạt tiền từ 400.000 đồng - 600.000 đồng đối với hành vi chạy trong hầm đường bộ không sử dụng đèn chiếu sáng gần.

(Theo khoản 1, khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP)

Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô:

Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn và hành vi Chạy trong hầm đường bộ không sử dụng đèn chiếu sáng gần.

(Theo khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP)

Bên cạnh đó, nếu không bật đèn xe theo đúng quy định mà gây ra tai nạn giao thông thì ngoài việc bị phạt tiền, người lái xe còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 - 04 tháng.

2. Xe máy, xe ô tô khi tham gia giao thông cần đáp ứng điều kiện gì?

Xe máy, xe ô tô khi tham gia giao thông cần đáp ứng những điều kiện quy định tại Điều 53, Điều 57 Luật giao thông đường bộ 2008 như sau:

Đối với xe ô tô:

Xe ô tô đúng kiểu loại được phép tham gia giao thông phải bảo đảm các quy định sau đây:

(1) Có đủ hệ thống hãm có hiệu lực;

(2) Có hệ thống chuyển hướng có hiệu lực;

(3) Tay lái của xe ô tô ở bên trái của xe; trường hợp xe ô tô của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài có tay lái ở bên phải tham gia giao thông tại Việt Nam thực hiện theo quy định của Chính phủ;

(4) Có đủ đèn chiếu sáng gần và xa, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu;

(5) Có bánh lốp đúng kích cỡ và đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại xe;

(6) Có đủ gương chiếu hậu và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển;

(7) Kính chắn gió, kính cửa là loại kính an toàn;

(8) Có còi với âm lượng đúng quy chuẩn kỹ thuật;

(9) Có đủ bộ phận giảm thanh, giảm khói và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm khí thải, tiếng ồn theo quy chuẩn môi trường;

(10) Các kết cấu phải đủ độ bền và bảo đảm tính năng vận hành ổn định.

(11) Phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Đối với xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy:

Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy đúng kiểu loại được phép tham gia giao thông phải bảo đảm các quy định tại (1), (2),(4), (5), (6), (8), (9), (10) và (11) nêu trên.

Đối với xe máy chuyên dùng:

Điều kiện tham gia giao thông của xe máy chuyên dùng bao gồm các quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường sau:

- Có đủ hệ thống hãm có hiệu lực;

- Có hệ thống chuyển hướng có hiệu lực;

- Có đèn chiếu sáng;

- Bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển;

- Các bộ phận chuyên dùng phải lắp đặt đúng vị trí, chắc chắn, bảo đảm an toàn khi di chuyển;

- Bảo đảm khí thải, tiếng ồn theo quy chuẩn môi trường.

Đồng thời, xe phải có đăng ký, gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp và hoạt động trong phạm vi quy định, bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và công trình đường bộ khi di chuyển.

Trân trọng

Đỗ Minh Hiếu
2500

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]