07/11/2024 15:20

Mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện cho NLĐ làm việc không theo hợp đồng từ năm 2025

Mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện cho NLĐ làm việc không theo hợp đồng từ năm 2025

Mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện cho NLĐ làm việc không theo hợp đồng từ năm 2025 là bao nhiêu? Điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện là gì?

Chính phủ ban hành Nghị định 143/2024/NĐ-CP ngày 01/11/2024 quy định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Trong đó có quy định về mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện cho NLĐ làm việc không theo hợp đồng.

Nghị định 143/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/1/2025.

1. Mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện cho NLĐ làm việc không theo hợp đồng từ năm 2025

Tại Điều 12 Nghị định 143/2024/NĐ-CP quy định về việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện như sau:

- Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, cụ thể như sau:

+ Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện thuộc hộ nghèo theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn;

+ Bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện thuộc hộ cận nghèo theo mức chuẩn hộ cận nghèo khu vực nông thôn;

+ Bằng 10% đối với người lao động khác.

- Phương thức hỗ trợ:

+ Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện thuộc đối tượng được hỗ trợ nộp số tiền đóng phần trách nhiệm đóng của mình cho cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy nhiệm theo quy định của pháp luật;

+ Định kỳ 06 tháng hoặc 12 tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội tổng hợp số đối tượng được hỗ trợ, số tiền thu của đối tượng và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính, gửi cơ quan tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ bảo hiểm xã hội;

+ Cơ quan tài chính căn cứ quy định về phân cấp quản lý ngân sách của địa phương và bảng tổng hợp đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ do cơ quan Bảo hiểm xã hội chuyển đến, có trách nhiệm chuyển kinh phí vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện 6 tháng một lần. Chậm nhất đến ngày 31 tháng 12 hằng năm phải thực hiện xong việc chuyển kinh phí hỗ trợ vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện của năm đó.

- Kinh phí hỗ trợ tiền đóng cho người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện do ngân sách địa phương đảm bảo theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

Như vậy, mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện đối với người tham gia thuộc hộ nghèo là 30% trên mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo và 10% đối với người lao động khác.

2. Điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện là gì?

Tại Điều 4 Nghị định 143/2024/NĐ-CP quy định chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện gồm:

- Giám định mức suy giảm khả năng lao động.

- Trợ cấp tai nạn lao động.

Theo đó, điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được quy định tại Điều 5 Nghị định 143/2024/NĐ-CP như sau:

- Người lao động đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện quy định tại Điều 4 Nghị định 143/2024/NĐ-CP khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do tai nạn lao động xảy ra trong thời gian tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện;

+ Không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 143/2024/NĐ-CP.

- Người lao động không được hưởng các chế độ tai nạn lao động tại Điều 4 Nghị định 143/2024/NĐ-CP nếu tai nạn xảy ra do một trong các nguyên nhân sau:

+ Mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến công việc, nhiệm vụ lao động;

+ Người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;

+ Sử dụng chất ma túy, chất gây nghiện trái quy định của pháp luật.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
452

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn