Ngày 10/01/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 9/2025/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật và có hiệu lực thi hành từ ngày 25/02/2025.
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 9/2025/NĐ-CP về mức hỗ trợ bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật cụ thể như sau:
(1) Mức hỗ trợ đối với cây trồng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật
- Diện tích lúa:
Sau gieo trồng từ 01 đến 10 ngày: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 6.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha;
Sau gieo trồng từ trên 10 ngày đến 45 ngày: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 8.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha;
Sau gieo trồng trên 45 ngày: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 5.000.000 đồng/ha.
- Diện tích mạ:
Thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha.
- Diện tích cây hằng năm khác:
Giai đoạn cây con (gieo trồng đến 1/3 thời gian sinh trưởng): thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 6.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha;
Giai đoạn cây đang phát triển (trên 1/3 đến 2/3 thời gian sinh trưởng): thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 5.000.000 đồng/ha;
Giai đoạn cận thu hoạch (trên 2/3 thời gian sinh trưởng): thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 7.500.000 đồng/ha.
- Diện tích cây trồng lâu năm:
Vườn cây ở thời kỳ kiến thiết cơ bản: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 12.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 6.000.000 đồng/ha;
Vườn cây ở thời kỳ kinh doanh thiệt hại đến năng suất thu hoạch nhưng cây không chết: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha;
Vườn cây ở thời kỳ kinh doanh thiệt hại làm cây chết hoặc được đánh giá là cây không còn khả năng phục hồi trở lại trạng thái bình thường; vườn cây đầu dòng ở giai đoạn được khai thác vật liệu nhân giống: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha;
Cây giống trong giai đoạn vườn ươm được nhân giống từ nguồn vật liệu khai thác từ cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 60.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha.
(2) Mức hỗ trợ đối với lâm nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật
- Diện tích cây rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trồng trên đất lâm nghiệp mới trồng đến 1/2 chu kỳ khai thác: thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 8.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha.
- Diện tích cây rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trồng trên đất lâm nghiệp trên 1/2 chu kỳ khai thác, diện tích rừng trồng gỗ lớn trên 03 năm tuổi: thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70%, hỗ trợ 7.500.000 đồng/ha.
- Diện tích vườn giống, rừng giống: thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70%, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha.
- Diện tích cây giống được ươm trong giai đoạn vườn ươm:
Nhóm cây sinh trưởng nhanh, có thời gian gieo ươm dưới 12 tháng tuổi: thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 40.000.000 đồng/ha, thiệt hại từ 30% đến 70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha.
Nhóm cây sinh trưởng chậm, có thời gian gieo ươm dưới 12 tháng tuổi: thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 60.000.000 đồng/ha, thiệt hại từ 30% đến 70%, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha.
(3) Mức hỗ trợ đối với thủy sản bị thiệt hại do thiên tai (bao gồm nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản)
- Nuôi trồng thuỷ sản bán thâm canh, thâm canh trong ao (đầm/hầm): hỗ trợ 60.000.000 đồng/ha diện tích nuôi bị thiệt hại.
- Nuôi trồng thuỷ sản trong bể, lồng, bè: hỗ trợ 30.000.000 đồng/100 m3 thể tích nuôi bị thiệt hại.
- Nuôi trồng thuỷ sản theo hình thức khác: hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha diện tích nuôi bị thiệt hại.
(4) Mức hỗ trợ đối với vật nuôi bị thiệt hại (chết, mất tích) do thiên tai
- Gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng, bồ câu) đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ từ 15.000 đồng/con đến 30.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ từ 31.000 đồng/con đến 45.000 đồng/con.
- Chim cút đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ từ 3.000 đồng/con đến 5.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ từ 6.000 đồng/con đến 10.000 đồng/con.
- Lợn đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ từ 500.000 đồng/con đến 600.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ từ 610.000 đồng/con đến 1.500.000 đồng/con; lợn nái và lợn đực đang khai thác, hỗ trợ 3.000.000 đồng/con.
- Bê cái hướng sữa đến 06 tháng tuổi, hỗ trợ từ 2.000.000 đồng/con đến 4.000.000 đồng/con; bò sữa trên 06 tháng tuổi, hỗ trợ từ 4.100.000 đồng/con đến 12.000.000 đồng/con.
- Trâu, bò thịt, ngựa đến 06 tháng tuổi, hỗ trợ từ 1.500.000 đồng/con đến 3.000.000 đồng/con; trên 06 tháng tuổi, hỗ trợ từ 3.100.000 đồng/con đến 7.000.000 đồng/con.
- Hươu sao, cừu, dê, đà điểu: hỗ trợ từ 1.000.000 đồng/con đến 2.500.000 đồng/con.
- Thỏ đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ từ 30.000 đồng/con đến 50.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ từ 51.000 đồng/con đến 70.000 đồng/con.
- Ong mật (đàn): hỗ trợ từ 300.000 đồng/đàn đến 500.000 đồng/đàn.
(5) Mức hỗ trợ đối với sản xuất muối bị thiệt hại do thiên tai (bao gồm diện tích đang sản xuất hoặc diện tích có muối đã được tập kết trên ruộng)
Diện tích sản xuất muối: thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70%, hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha.
(6) Trường hợp hỗ trợ bằng giống cây, con, hiện vật, mức hỗ trợ được quy đổi tương đương hỗ trợ bằng tiền theo giá tại thời điểm hỗ trợ.
Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 9/2025/NĐ-CP về nguyên tắc hỗ trợ như sau:
- Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí giống cây trồng, lâm nghiệp, vật nuôi, thủy sản, sản xuất muối hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu (không phải đền bù thiệt hại).
- Thực hiện hỗ trợ kịp thời, trực tiếp bằng tiền hoặc bằng giống cây, con, hiện vật. Giống cây, con, hiện vật hỗ trợ phải đảm bảo chất lượng, phù hợp với điều kiện sinh thái và thực tế của địa phương.
- Việc hỗ trợ phải công khai, minh bạch, đúng mức và đúng đối tượng.
- Trường hợp có nhiều chính sách hỗ trợ cùng một nội dung, cùng một thời điểm, cơ sở sản xuất được nhận hỗ trợ một chính sách cao nhất.
Như vậy, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục vùng bị thiệt hại do thiên tai theo Nghị định 9/2025 đảm bảo các nguyên tắc như sau: Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần chi phí giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản hoặc chi phí sản xuất ban đầu, không phải đền bù thiệt hại. Hỗ trợ phải kịp thời, minh bạch và đúng đối tượng, bao gồm tiền hoặc giống cây, con, hiện vật đảm bảo chất lượng. Khi có nhiều chính sách hỗ trợ, cơ sở sản xuất được nhận chính sách hỗ trợ cao nhất.