Ngày 27/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Công đoàn 2024, thay thế Luật Công đoàn 2012.
Luật Công đoàn 2024 hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.
Theo Điều 29 Luật Công đoàn 2024 quy định về tài chính công đoàn như sau:
- Nguồn tài chính công đoàn bao gồm:
+ Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam;
+ Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động;
+ Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ;
+ Nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.
- Chính phủ quy định phương thức, thời hạn và nguồn đóng kinh phí công đoàn; trường hợp không đóng hoặc chậm đóng kinh phí công đoàn; nội dung ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ.
Hiện hành, tại khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn 2012 quy định kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Như vậy, vẫn tiếp tục duy trì mức đóng kinh phí công đoàn là 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.
Bổ sung thêm các trường hợp miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn cũng là một trong những điểm mới của Luật Công đoàn 2024.
Cụ thể, tại Điều 30 Luật Công đoàn 2024 quy định các trường hợp miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn như sau:
- Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thực hiện giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật thì được xem xét miễn số tiền chưa đóng kinh phí công đoàn.
Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã gặp khó khăn vì lý do kinh tế hoặc bất khả kháng thì được xem xét giảm mức đóng kinh phí công đoàn.
- Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc không có khả năng đóng kinh phí công đoàn thì được xem xét tạm dừng đóng kinh phí công đoàn trong thời gian không quá 12 tháng.
Hết thời hạn tạm dừng đóng, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tiếp tục đóng kinh phí công đoàn và đóng bù kinh phí công đoàn cho thời gian tạm dừng đóng. Thời hạn đóng bù chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo tháng kết thúc việc tạm dừng đóng. Số tiền đóng bù bằng số tiền phải đóng của những tháng tạm dừng đóng.
Theo Điều 33 Luật Công đoàn 2024 quy định về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát tài chính công đoàn như sau:
- Việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn tại công đoàn các cấp phải được kiểm tra, kiểm toán theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phù hợp với pháp luật về kiểm toán và pháp luật có liên quan.
- Công đoàn cấp trên hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc thực hiện công tác tài chính của công đoàn cấp dưới theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
- Cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn theo quy định của pháp luật.
- Định kỳ hai năm một lần, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam báo cáo Quốc hội về tình hình thu, chi và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn.
- Định kỳ hai năm một lần, Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng tài chính công đoàn và báo cáo kết quả với Quốc hội cùng thời điểm o báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trên; thực hiện kiểm toán đột xuất theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Xem thêm:
Thêm hành vi bị nghiêm cấm đối với cán bộ công đoàn từ 01/7/2025?