Căn cứ theo điểm e khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định mức đóng BHYT hộ gia đình hằng tháng sẽ căn cứ theo mức lương cơ sở, như sau:
Điều 7. Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế
1. Mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng của các đối tượng được quy định như sau:
…
e) Mức đóng bảo hiểm y tế của đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Việc giảm trừ mức đóng bảo hiểm y tế theo quy định tại điểm này được thực hiện khi các thành viên tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính.
…
Theo đó, mức đóng BHYT hộ gia đình 2025 cụ thể như sau:
- Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở.
- Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất.
- Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Thành viên hộ gia đình | Tỷ lệ đóng BHYT hộ gia đình | Mức đóng BHYT hộ gia đình năm 2025 (Đơn vị: đồng/năm) |
Người thứ nhất | 4,5% | 1,263,600 |
Người thứ hai | 70% mức đóng của người thứ nhất | 884,520 |
Người thứ ba | 60%mức đóng của người thứ nhất | 758,160 |
Người thứ tư | 50% mức đóng của người thứ nhất | 631,800 |
Người thứ năm trở đi | 40% mức đóng của người thứ nhất | 505,440 |
Mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình năm 2025 là bao nhiêu? (Hình Internet)
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 146/2018/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 104/2022/NĐ-CP) và hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư 30/2020/TT-BYT thì xác định đối tượng đóng Bảo hiểm y tế hộ gia đình năm 2025 bao gồm:
(1) Người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký thường trú, trừ những người thuộc đối tượng quy định tại các Điều 1, 2, 3, 4 và 6 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
(2) Những người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký tạm trú, trừ đối tượng quy định tại các điều 1, 2, 3, 4 và 6 Nghị định này và đối tượng đã tham gia bảo hiểm y tế theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
(3) Các đối tượng sau đây được tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình:
+ Chức sắc, chức việc, nhà tu hành;
+ Người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội trừ đối tượng quy định tại các Điều 1, 2, 3, 4 và 6 Nghị định 146/2018/NĐ-CP mà không được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế.
Việc xác định đối tượng (3) căn cứ vào một trong các giấy tờ sau đây:
+ Đối với chức sắc, chức việc, nhà tu hành: sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc danh sách có đóng dấu của tổ chức tôn giáo trực tiếp quản lý chức sắc, chức việc, nhà tu hành;
+ Đối với người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội: sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc danh sách có đóng dấu của cơ sở bảo trợ xã hội nơi người đó đang cư trú.
Đồng thời, việc giảm trừ mức đóng bảo hiểm y tế đối với các đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định 146/2018/NĐ-CP được thực hiện ngay từ người thứ hai trở đi có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc trong danh sách có đóng dấu của tổ chức tôn giáo, cơ sở bảo trợ xã hội quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 30/2020/TT-BYT tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình.
Mặc khác tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định 146/2018/NĐ-CP (được sửa đổi tại Nghị định 75/2023/NĐ-CP) có quy định:
- Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang cư trú trên địa bàn các huyện nghèo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền;
- Hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng bảo hiểm y tế đối với đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 4 Nghị định 146/2018/NĐ-CP;
- Hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng bảo hiểm y tế đối với đối tượng quy định tại khoản 3 và 4 Điều 4 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
Ngoài ra, tại Nghị định 75/2023/NĐ-CP cũng quy định Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ khả năng ngân sách của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác trình hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu quy định tại các điểm b và c khoản 1 Điều 8 Nghị định 146/2018/NĐ-CP;
Theo quy định tại Điều 3 Luật Bảo hiểm y tế 2008, được sửa đổi 2014 thì nguyên tắc bảo hiểm y tế như sau:
- Bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia bảo hiểm y tế.
- Mức đóng bảo hiểm y tế được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội (sau đây gọi chung là tiền lương tháng), tiền lương hưu, tiền trợ cấp hoặc mức lương cơ sở.
- Mức hưởng bảo hiểm y tế theo mức độ bệnh tật, nhóm đối tượng trong phạm vi quyền lợi và thời gian tham gia bảo hiểm y tế.
- Chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế do quỹ bảo hiểm y tế và người tham gia bảo hiểm y tế cùng chi trả.
- Quỹ bảo hiểm y tế được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch, bảo đảm cân đối thu, chi và được Nhà nước bảo hộ.