17/09/2024 16:29

Mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên năm học 2024-2025

Mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên năm học 2024-2025

Học sinh, sinh viên được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế đúng không? Mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên năm học 2024-2025 là bao nhiêu?

1. Học sinh, sinh viên được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế đúng không?

Tại Điều 4 Nghị định 146/2018/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 75/2023/NĐ-CP) quy định về nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế như sau:

Điều 4. Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng

Người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo chuẩn hộ cận nghèo giai đoạn 2022-2025 quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế chuẩn hộ cận nghèo áp dụng cho từng giai đoạn.

1. Người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo chuẩn hộ cận nghèo giai đoạn 2022-2025 quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế chuẩn hộ cận nghèo áp dụng cho từng giai đoạn.

2. Người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 9 Điều 3 Nghị định này.

3. Học sinh, sinh viên.

4. Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo chuẩn hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025 quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế chuẩn hộ có mức sống trung bình áp dụng cho từng giai đoạn.

5. Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Theo quy định trên, học sinh, sinh viên là một trong những đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế.

2. Mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên năm học 2024-2025

Căn cứ tại khoản 3 Điều 4, điểm đ khoản 1 Điều 7 và điểm c khoản 1 Điều 8 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng của học sinh, sinh viên bằng 4,5% mức lương cơ sở. Trong đó:

- Ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%.

- Người tham gia đóng 70%.

Đồng thời, tại Nghị định 73/2024/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở hiện nay là 2,34 triệu đồng/tháng.

Theo đó, mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên năm học 2024-2025 sẽ như sau:

Phương thức

Học sinh - sinh viên đóng 70%

(đồng)

Ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%

(đồng)

Tổng mức đóng BHYT

(đồng)

3 tháng

221,130

94,770

315,900

6 tháng

442,260

189,540

631,800

9 tháng

663,390

284,310

947,700

12 tháng

884,520

379,080

1,263,600

3. Các khoản thu đầu năm đối với học sinh các cấp năm học 2024-2025

Theo đó, nhà trường sẽ thu của học sinh các cấp năm học 2024-2025 các khoản cơ bản như sau:

(1) Học phí:

Căn cứ tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 81/2021/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 97/2023/NĐ-CP) quy định như sau:

- Đối với cơ sở giáo dục chưa tự bảo đảm chi thường xuyên: Giữ ổn định mức thu học phí từ năm học 2023 - 2024 bằng mức thu học phí của năm học 2021 - 2022 do Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành áp dụng tại địa phương.

- Đối với cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên, cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Cơ sở giáo dục xây dựng mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, trình Ủy ban nhân dân để đề nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét phê duyệt.

(2) Bảo hiểm y tế học sinh

Theo khoản 4 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014) và Điều 4, 7, 8, 9 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định: Mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên hiện được áp dụng bằng 4,5% mức lương cơ sở. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%, người tham gia đóng 70%.

(3) Dạy thêm, học thêm trong nhà trường

Tại Điều 7 Quy định kèm theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về thu và quản lý tiền học thêm, dạy thêm trong nhà trường như sau: 

- Thu tiền học thêm để chi trả thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm, công tác quản lý dạy thêm, học thêm của nhà trường

- Chi tiền điện, nước và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm;

- Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường.

(4) Kinh phí cho việc may, mua, thuê, mượn đồng phục và lễ phục (nếu có)

Căn cứ Điều 9 Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT, kinh phí cho việc may, mua, thuê, mượn đồng phục và lễ phục lấy từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của nhà trường, đóng góp của học sinh, sinh viên hoặc các nguồn thu hợp pháp khác và phải được công khai thu, chi.

(5) Vận động và tiếp nhận tài trợ (không bắt buộc)

Theo Điều 3 Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT, nhà trường được phép vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để thực hiện các nội dung sau:

- Trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục;

- Hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên việc vận động tài trợ không nhằm để chi trả: thù lao giảng dạy; các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và nhân viên, các hoạt động an ninh, bảo vệ; thù lao trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; thù lao duy trì vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; các chi phí hỗ trợ công tác quản lý của cơ sở giáo dục.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
16

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn