16/02/2024 15:45

Mua trả góp là gì? Mua trả góp không thanh toán đúng hạn bị xử lý ra sao?

Mua trả góp là gì? Mua trả góp không thanh toán đúng hạn bị xử lý ra sao?

Tôi mới mua điện thoại mới theo hình thức trả góp, nhưng đến hạn thanh toán không đủ tiền để trả thì có làm sao không? Bạn T.N (Quảng Ninh).

Hiện nay, hình thức mua trả góp đang được rất nhiều người lựa chọn, đặc biệt là các bạn trẻ có nhu cầu mua sắm những mặt hàng như điện thoại, laptop,quần áo,... Vậy, trong trường hợp vay, mua trả góp mà không thanh toán đúng hạn thì có bị phạt hay không, cùng Ban biên tập làm rõ vấn đề trên qua bài viết dưới đây.

Thế nào là mua trả góp?

Hiện nay, pháp luật không quy định cụ thể về hình thức mua trả góp, nhưng xét theo Điều 453 Bộ luật dân sự 2015 ta có thể hiểu về việc vay, mua trả góp như sau:

Mua trả góp là phương thức mua sắm khi mà người mua có thể trả tiền cho sản phẩm hoặc dịch vụ theo đợt trong một khoảng thời gian xác định bằng cách thay vì thanh toán toàn bộ giá trị ngay lập tức, người mua có thể chia nhỏ thành các đợt thanh toán đều đặn.

Hợp đồng mua bán trả góp thường được ký kết giữa người mua và người bán, với cam kết thanh toán định kỳ, thông thường sẽ là hàng tháng. Khoản thanh toán bao gồm cả gốc và lãi suất, được tính trên số tiền còn nợ sau mỗi kỳ thanh toán.

Ví dụ về việc mua trả góp: Nguyễn Văn A mua trả góp một chiếc Iphone 15 Promax có giá là 30 triệu đồng. Thay vì trả toàn bộ số tiền chỉ trong một lần, A quyết định thực hiện mua trả góp 0% (không lãi suất) với thời hạn là 12 tháng. A không cần phải đặt trước tiền đặt cọc mà chỉ cần trả một khoản hàng tháng cố định trong 12 tháng để thanh toán số tiền mua điện thoại.

Mua trả góp không thanh toán đúng hạn bị xử lý ra sao?

Theo Điều 3 Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định về việc cho vay trả góp như sau:

Cho vay trả góp là hình thức cho vay tiêu dùng của công ty tài chính đối với khách hàng, theo đó công ty tài chính và khách hàng thỏa thuận trả nợ gốc và lãi tiền vay theo nhiều kỳ hạn.

Vậy nên khi vay mua trả góp mà không thanh toán đúng thời hạn thì người tiêu dùng có thể sẽ bị phạt như sau:

(1) Phải nộp lãi trả chậm

Theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay trả góp theo thỏa thuận, thì khách hàng phải trả lãi tiền vay như sau:

+ Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;

+ Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả;

+ Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.

(2) Có thể bị nợ xấu

Theo khoản 8 Điều 3 Thông tư 11/2021/TT-NHNN, nợ xấu (NPL) là nợ xấu nội bảng, gồm nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5 quy định tại Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN đối với những với khoản nợ quá hạn từ 91 ngày trở lên.

Khi thuộc nhóm nợ xấu trên, khách hàng sẽ khó có thể được xét duyệt cho vay về sau nếu không được xóa nợ xấu

(3) Bị phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại

Theo Điều 25 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, trường hợp trong hợp đồng vay trả góp có điều khoản về việc phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại mà người vay không thanh toán đúng hạn trả góp thì sẽ phải chịu phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại theo hợp đồng đã giao kết.

(4) Bị công ty tài chính giục nợ

Ngoài việc phải trả lãi, bị phạt hoặc bồi thường thiệt hại, nhiều trường hợp người vay không thanh toán đúng hạn trả góp bị công ty tài chính làm phiền giục nợ. 

Chi tiết về biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ của các công ty tài chính được nêu rõ tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 43/2016/TT-NHNN (sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Thông tư 18/2019/TT-NHNN).

(5) Bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi mua trả góp nhưng không thanh toán đúng hạn

Tại điểm c, d khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt vi phạm hành chính khi không thanh toán đúng hạn khi mua trả góp như sau:

+ Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

+ Đồng thời áp dụng mức xử phạt tương ứng đối với hành vi không trả lại tài sản cho người khác do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng nhưng sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Do đó, nếu không thanh toán đúng hạn khi mua trả góp thì có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền từ 2 - 3 triệu đồng khi thuộc trường hợp được nêu trên.

Trân trọng!

Đỗ Minh Hiếu
3687

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn