26/12/2022 16:47

Mua bán thông tin cá nhân bị xử phạt thế nào?

Mua bán thông tin cá nhân bị xử phạt thế nào?

Tôi có mở thẻ tín dụng bên ngân hàng. Tuy nhiên sau khi mở thẻ một thời gian thì tôi thường bị các số điện thoại lạ gọi mời các dịch vụ tài chính. Tôi nghi ngờ bị bán thông tin cá nhân. Vậy tôi muốn hỏi bên bán thông tin của tôi có vi phạm pháp luật không? “Nghi Lâm -Quảng Bình”

Chào anh, Ban Biên tập xin giải đáp thắc mắc của anh như sau:

1. Quy định pháp luật về thông tin cá nhân?

Tại khoản 15 Điều 3 Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 quy định thông tin cá nhân là thông tin gắn với việc xác định danh tính của một người cụ thể. 

Đồng thời, tại khoản 5 Điều 3 Nghị định 64/2007/NĐ-CP cũng định nghĩa: Thông tin cá nhân thông tin đủ để xác định chính xác danh tính một cá nhân, bao gồm ít nhất nội dung trong những thông tin sau đây: họ tên, ngày sinh, nghề nghiệp, chức danh, địa chỉ liên hệ, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, số hộ chiếu. Những thông tin thuộc bí mật cá nhân gồm có hồ sơ y tế, hồ sơ nộp thuế, số thẻ bảo hiểm xã hội, số thẻ tín dụng và những bí mật cá nhân khác.

Ngoài ra, tại Khoản 13 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định: Thông tin cá nhân là các thông tin góp phần định danh một cá nhân cụ thể, bao gồm tên, tuổi, địa chỉ nhà riêng, số điện thoại, thông tin y tế, số tài khoản, thông tin về các giao dịch thanh toán cá nhân và những thông tin khác mà cá nhân mong muốn giữ bí mật.

Như vây, có thể thấy pháp luật Việt Nam quy định thông tin cá nhân là những thông tin mang tính trực tiếp, gắn với việc xác định danh tính của một người cụ thể. Nghị định 52/2013/NĐ-CP có quy định thêm “những thông tin khác mà cá nhân mong muốn giữ bí mật”, tuy nhiên chưa có tiêu chí để xác định được thông tin mà một cá nhân mong muốn giữ bí mật.

2. Mua bán thông tin cá nhân có vi phạm pháp luật không?

Luật An toàn thông tin mạng 2015 về các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:

- Ngăn chặn việc truyền tải thông tin trên mạng, can thiệp, truy nhập, gây nguy hại, xóa, thay đổi, sao chép và làm sai lệch thông tin trên mạng trái pháp luật.

- Gây ảnh hưởng, cản trở trái pháp luật tới hoạt động bình thường của hệ thống thông tin hoặc tới khả năng truy nhập hệ thống thông tin của người sử dụng.

- Tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng của biện pháp bảo vệ an toàn thông tin mạng của hệ thống thông tin; tấn công, chiếm quyền điều khiển, phá hoại hệ thống thông tin.

- Phát tán thư rác, phần mềm độc hại, thiết lập hệ thống thông tin giả mạo, lừa đảo.

- Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân.

- Xâm nhập trái pháp luật bí mật mật mã và thông tin đã mã hóa hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tiết lộ thông tin về sản phẩm mật mã dân sự, thông tin về khách hàng sử dụng hợp pháp sản phẩm mật mã dân sự; sử dụng, kinh doanh các sản phẩm mật mã dân sự không rõ nguồn gốc

Theo đó, hành vi thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân là hành vi bị cấm theo quy định pháp luật. 

3. Mua bán thông tin cá nhân sẽ bị xử phạt thế nào?

Về xử lý vi phạm hành chính:

Tại Điều 4 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động thuơng mại điện tử, trong đó có hành vi “đánh cắp, sử dụng, tiết lộ, chuyển nhượng, bán các thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác hoặc thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong thương mại điện tử khi chưa được sự đồng ý của các bên liên quan, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

Đối với hành vi chuyển nhượng, bán các thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong thương mại điện tử khi chưa được sự đồng ý của các bên liên quan sẽ bị xử phạt theo điểm b khoản 5 Điều 63 Nghị định 98/2020/NĐ-CP. Theo đó, phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi đánh cắp, tiết lộ, chuyển nhượng, bán các thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của thương nhân, tổ chức khác hoặc thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong thương mại điện tử khi chưa được sự đồng ý của các bên liên quan.

Ngoài ra, tại Khoản 2 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội thì phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với hành vi mua bán, sử dụng thông tin khách hàng trái pháp luật sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định điểm a khoản 5 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP như sau:

“5. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông;

b) Che giấu tên, địa chỉ điện tử của mình hoặc giả mạo tên, địa chỉ điện tử của tổ chức, cá nhân khác khi gửi thư điện tử, tin nhắn.”

Đồng thời, cá nhân, tổ chức có hành vi trên có thể bị tước quyền sử dụng Giấy phép thiết lập mạng xã hội từ 22-24 tháng.

Về truy cứu trách nhiệm hình sự:

Theo Điều 288 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông như sau:

“Điều 288. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này;

b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;

c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông;

c) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

d) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;

đ) Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam;

g) Dẫn đến biểu tình.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Trân trọng!

Như Ý
4013

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]