13/06/2019 17:34

Mua bán bằng lời nói, cho vay qua giấy viết tay - đòi nợ có khó?

Mua bán bằng lời nói, cho vay qua giấy viết tay - đòi nợ có khó?

Hiện nay, việc cho người thân quen vay mượn số tiền lớn nhưng không có hợp đồng mà chỉ thỏa thuận bằng miệng hoặc cho vay qua giấy viết tay là vấn đề thường xuyên xảy ra trong xã hội trọng tình nghĩa như nước ta. Thế nhưng, lúc vay mượn thì dễ, đến hạn lại nhùng nhằng, quanh co không trả. Như vậy, chỉ thỏa thuận bằng lời nói và giấy viết tay trong giao dịch vay mượn tài sản thì có đủ cơ sở để nhờ Tòa án can thiệp?

Cụ thể tại Bản án 42/2018/DS-ST ngày 02/11/2018 về hợp đồng vay tài sản của Tòa án nhân huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng xét xử sơ thẩm:

" Vào năm 2012 đến năm 2015 bà Nguyễn Thị D có mua thức ăn nuôi tôm của ông bà D còn thiếu tổng số tiền là 212.380,000 đồng, sau đó bà D có trả được 16.000.000 đồng hiện còn nợ số tiền là 196.380.000 đồng. Ngoài ra ngày 10/5/ 2015 âm lịch bà D còn hỏi vay của ông 20.000.000 đồng tiền vốn, lãi thỏa thuận 5%/ tháng bà D đóng lãi được 30 tháng thì ngưng và chưa trả vốn lại cho ông. Việc mua bán và vay nợ không làm hợp đồng, chỉ thỏa thuận bằng lời nói với nhau và bà D có ký giấy nợ cho ông. Sau khi bà D không trả số tiền mua nợ thức ăn tôm và tiền vay cho ông, ông đã nhiều lần đòi nhưng bà D chỉ hứa hẹn nhưng không chịu trả. Tại phiên tòa ông Nguyễn Văn L yêu cầu bà Nguyễn Thị D cùng ông Võ Văn S trả tiền mua nợ thức ăn nuôi tôm 196.380.000 đồng và 20.000.000 đồng tiền vốn vay và yêu cầu bà D trả số nợ trên 1 lần dứt nợ" .

Theo quy định tại Điều 430 và điều 463 của Bộ luật dân sự 2015 như sau:

Điều 430. Hợp đồng mua bán tài sản

Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.

Hợp đồng mua bán nhà ở, mua bán nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và luật khác có liên quan.

Điều 463. Hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Đồng thời, các quy định khác của pháp luật dân sự hiện hành không có quy định bắt buộc hợp đồng vay tài sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực. Do đó, việc ông L cho vay tiền, và bán hàng hóa cho bà D nhưng chỉ giao kết bằng lời nói và giấy viết tay thì loại hợp đồng này vẫn có giá trị pháp lý, 2 bên vẫn có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật và theo thỏa thuận.

Vì vậy, Tòa án nhân dân huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng đã tuyên xử:

Buộc bà Nguyễn Thị D và ông Võ Văn S có trách nhiệm liên đới trả cho ông Nguyễn Văn L tổng số tiền là 216.380.000 đồng (Hai trăm mười sáu ba trăm tám chục ngàn đồng), trong đó: Tiền mua nợ thức ăn nuôi tôm là 196.380.000 đồng và tiền vốn vay là 20.000.000 đồng.

Mặc dù, hình thức vay tài sản bằng lời nói và giấy viết tay vẫn có cơ sở để khởi kiện đòi lại tài sản. Nhưng người cho vay nên làm hợp đồng vay rõ ràng, hợp pháp phòng khi xảy ra tranh chấp có đầy đủ bằng chứng chứng minh, để việc đòi lại tài sản được thực hiện nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Thanh Ngân
5753

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]