07/11/2020 07:36

Một số vướng mắc về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự

Một số vướng mắc về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự

Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung làm rõ chế định áp dụng thủ tục rút gọn trong việc giải quyết các vụ án hình sự. Qua đó, đưa ra một số kiến nghị để hoàn thiện các quy định của pháp luật về thủ tục rút gọn theo BLTTHS năm 2015.

Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, đã mở rộng hơn điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn, bổ sung thêm trường hợp người phạm tội tự thú về hành vi phạm tội của mình và phải đáp ứng 3 điều kiện còn lại đó là, sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; Người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng. Như vậy, BLTTHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung có nhiều quy định mới, quy định bắt buộc về thủ tục rút gọn, để các cơ quan tiến hành tố tụng đẩy nhanh quá trình xử lý tội phạm trong tình hình hiện nay.

Theo quy định của BLTTHS năm 2015, thủ tục rút gọn trước hết cũng là một thủ tục tố tụng nhưng có trình tự, thủ tục đơn giản hơn so với thủ tục giải quyết các vụ án hình sự thông thường. Thủ tục rút gọn chỉ được áp dụng để giải quyết các vụ án hình sự khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Mục đích của việc áp dụng thủ tục rút gọn là giải quyết vụ án nhanh chóng nhưng vẫn bảo đảm đúng pháp luật. Theo đó, việc tổ chức và quán triệt để nâng cao nhận thức đối với thủ tục rút gọn theo quy định của BLTTHS 2015 là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc cần phải có hướng dẫn thi hành.

1.Quy định của pháp luật

Điều 456 BLTTHS năm 2015 quy định điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn: “1. Thủ tục rút gọn được áp dụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm khi có đủ các điều kiện: a) Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú; b) Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; c) Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; d) Người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng”.

Như vậy, về điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn trong vụ án hình sự phải đáp ứng được bốn điều kiện đó là: Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú; Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; Người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng. Nếu không đáp ứng đủ bốn điều kiện nêu trên thì không được áp dụng giải quyết theo thủ tuc rút gọn kể cả trường hợp sau khi phạm tội người phạm tội đã ra đầu thú cũng không được áp dụng thủ tục rút gọn mà phải giải quyết theo thủ tụng chung, dẫn đến một số vụ án sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng, tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; hoặc là tội phạm thuộc trường hợp nghiêm trọng nhưng thuộc trường hợp phạm tội đơn giản; Người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng. Do đó trong thực tiễn điều tra, truy tố và xét xử một số vụ án khi phát hiện các cơ quan tiến hành tố tụng muốn đẩy nhanh tiến độ giải quyết để đưa ra xét xử nhằm tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cũng như đảm bảo tình hình an ninh, an toàn xã hội tại địa phương thì không thể áp dụng thủ tục rút gọn để đưa ra xét xử nhanh được.

Chẳng hạn như trong tình hình cả nước đang chung sức phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020, của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, thì nhiều đối tượng không thực hiện việc giãn cách xã hội hoặc không đeo khẩu trang nơi công cộng, trốn cách ly, không khai báo y tế hoặc khai báo gian dối… khi bị lực lượng thực thi pháp luật phát hiện nhắc nhở, ngăn chặn thì có nhiều đối tượng đã có hành vi chống đối quyết liệt, cản trở người thi hành công vụ, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị… nhưng cũng khó áp dụng thủ tục rút gọn.

2.Vướng mắc và kiến nghị

BLHS năm 2015 có nhiều điều luật khung cấu thành cơ bản quy định là tội ít nghiêm trọng, nhưng khó áp dụng thủ tục rút gọn vì phải đảm bảo điều kiện quan trọng nhất đó là, người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang. Thực tế cho thấy các trường hợp bị bắt quả tang rất ít. Ví dụ tội trộm cắp tài sản, các đối tượng phạm tội thực hiện hành vi lén lút, lợi dụng đêm tối và sự sơ hở của người có tài sản vắng nhà để đột nhập vào trộm cắp tài sản. Sau khi phạm tội, các đối tượng đã nhanh chóng tẩu thoát nên phải thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ như truy xét thì mới bắt được đối tượng. Hoặc các loại tội phạm như tội tàng trữ trái phép chất ma túy mục đích để sử dụng thuộc loại tội phạm nghiêm trọng thì hiện nay Điều 249 BLHS năm 2015  có một số quy định về khối lượng chất ma túy đối với tội tàng trữ trái phép chất ma túy quy định cấu thành cơ bản nặng hơn đó là, Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1gam đến dưới 05 gam (so với BLHS năm 1999 thì chất ma túy Methamphetamine phải từ 1 gam trở lên). Theo đó, trong thực tiễn điều tra, truy tố và xét xử đối với loại tội phạm này cho thấy các đối tượng nghiện hút ma túy ngày càng tăng. Trong khi đó, chất ma túy mà các đối tượng sử dụng chủ yếu là Methamphetamine (ma túy đá), khi bị phát hiện bắt quả tang hầu hết đều đủ định lượng để khởi tố. Đồng thời, ngày 30/03/2020 TANDTC đã có hướng dẫn về xử lý các hành vi khác liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID- 19. Nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng muốn áp dụng thủ tục rút gọn thì không đủ điều kiện.

Nhằm đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến hành vi chống người thi hành công vụ khi đang làm nhiệm vụ về phòng, chống dịch COVID -19 theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng như các Chỉ thị của các cơ quan liên ngành tư pháp trung ương, các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương muốn điều tra, truy tố và xét xử nhanh nhưng khó thực hiện được. Bởi vì, thông thường các vụ chống người thi hành công vụ, sau khi thực hiện hành vi phạm tội thường đối tượng bỏ chạy sau nhiều giờ truy xét mới phát hiện nên không thể thực hiện ngay các thủ tục như: Bắt người phạm tội quả tang mà phải thực hiện các thủ tục giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc bắt tạm giam hoặc đối tượng phạm tội ra đầu thú cũng không áp dụng thủ tục rút gọn được. Mặc dù các cơ quan tiến hành tố tụng đã phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và xét xử. Nhưng trong các trường hợp này thì phải xét xử theo thủ tục chung mà thực hiện theo thủ tục chung thì không thể xét xử ngay được. Vì, tại khoản 1 Điều 286 BLTTHS năm 2015 quy định: “Quyết định đưa vụ án ra xét xử được giao cho bị cáo hoặc người đại diện của họ; gửi cho người bào chữa, bị hại đượng sự chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên tòa”. Như vậy, trong trường hợp vụ án thực hiện theo thủ tục chung thì thời hạn mở phiên tòa phải đảm bảo từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử đến ngày mở phiên tòa là 10 ngày, nếu không đảm bảo được thời hạn tố tụng 10 ngày theo quy định dễ dẫn đến vi phạm thủ tục tố tụng.

Như vậy, theo quy định của BLTTHS năm 2015, thì điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn trong các vụ án hình sự vẫn còn cứng nhắc. Dẫn đến, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng muốn áp dụng thực hiện thì vụ án phải đảm bảo bốn điều kiện nêu trên, nếu không đủ bốn điều kiện nêu trên thì không được áp dụng thủ tục rút gọn. Để đảm bảo đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và xét xử đối với những vụ án chứng cứ rõ ràng, sự việc phạm tội đơn gian, nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội theo tác giả cần phải hiểu: “Chứng cứ rõ ràng có nghĩa đây được xem là điều kiện mang tính định tính; sự việc phạm tội đơn giản, có nghĩa là những sự việc mà vấn đề cần chứng minh trong vụ án không phức tạp và dễ xác định, người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng được hiểu một cách chung nhất là nhân thân người phạm tội, bao gồm đặc điểm giới tính, độ tuổi, tôn giáo, dân tộc, trình độ học vấn, nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình, điều kiện sinh sống, nơi cư trú”. Nhằm đảm bảo cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng xử lý nhanh các loại tội phạm, đáp ứng được công tác phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh chính trị, an toàn xã hội trong tình hình hiện nay. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng là bắt buộc phải thực hiện khi có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự.

Tác giả đề nghị Hội đồng thẩm phán TANDTC cần sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn thi hành khoản 1 Điều 456 BLTTHS năm 2015 theo hướng không nhất thiết phải đủ bốn điều kiện nêu trên mà chỉ cần có đủ một trong các điều kiện sau đây là áp dụng tủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự đó là, “Thủ tục rút gọn áp dụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm được áp dụng trong các trường hợp sau: Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú, đầu thú hoặc trường hợp người phạm tội sau khi bị phát hiện đã được ngăn chặn kịp thời;  hoặc trong trường hợp tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng nhưng thuộc trường hợp sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; Người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng”./.

Nguồn: Tạp chí Tòa án

1035

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]