16/12/2020 10:27

Một số vướng mắc trong thực tiễn xét xử có liên quan giám định tư pháp

Một số vướng mắc trong thực tiễn xét xử có liên quan giám định tư pháp

Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 đã quy định một chương (Chương XV) nhằm hoàn thiện chế định giám định tư pháp. Tuy nhiên, qua thực tiễn chúng tôi nhận thấy còn có những vướng mắc trong công tác giám định cần phải nghiên cứu, tháo gỡ.

I.Những vướng mắc có các quan điểm khác nhau

1.1.Kết luận giám định

Qua thực tiễn cho thấy Kết luận giám định là nhận xét, đánh giá bằng văn bản của người giám định tư pháp về đối tượng giám định theo nội dung trưng cầu giám định. Kết luận giám định là tài liệu có giá trị pháp lý quan trọng phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử. Nội dung kết luận giám định tư pháp được quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật giám định tư pháp. Thực chất kết luận giám định là trả lời những câu hỏi, vấn đề đặt ra trong quyết định trưng cầu giám định.

Cá nhân, tổ chức giám định tư pháp đưa ra kết luận về đối tượng giám định, có hai loại kết luận giám định như sau:

Kết luận chính xác cụ thể vấn đề giám định: Là kết luận cho rằng nội dung cần giám định đó đúng hay không đúng; giải đáp những vấn đề được đặt ra có căn cứ pháp lý cụ thể, kết luận này có giá trị chứng minh; được công nhận như một nguồn chứng cứ.

Kết luận nghi ngờ về vấn đề giám định: Là kết luận mà người giám định không đưa ra kết luận cụ thể đối với vấn đề cần giám định mà chỉ đưa ra được kết luận có tính dự đoán, nghi ngờ việc xác định một người, một vật hoặc một sự việc nào đó. Thông thường, những kết luận này được đưa ra trong trường hợp các dấu vết, tài liệu, mẫu giám định gửi giám định không rõ nét; số lượng mẫu vật, tài liệu gửi đến để giám định thiếu, không đảm bảo chất lượng... Do đó, người giám định không thể đưa ra được kết luận chính xác cụ thể mà chỉ đưa ra được kết luận mang tính nghi ngờ. Kết luận nghi ngờ về vấn đề giám định không có ý nghĩa như một nguồn chứng cứ vì chỉ chứa đựng những thông tin mang tính dự đoán về đối tượng giám định. Tuy nhiên, có thể căn cứ vào đó để đưa ra những giả thuyết điều tra về đối tượng, công cụ, phương tiện, diễn biến của hành vi phạm tội, phục vụ quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Trong thực tiễn, có các trường hợp không kết luận được theo nội dung trưng cầu giám định do nhiều lý do khác nhau. Ví dụ: Vào khoảng 01 giờ 30 ngày 4/5/2020, trong một vụ cháy tại Xí nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu; tại biên bản khám nghiệm hiện trường không xác định được nguyên nhân cháy thì có xác định được chất cháy không?

Quan điểm thứ nhất cho rằng, tuy tại biên bản khám nghiệm hiện trường không xác định được nguyên nhân cháy nhưng sau đó căn cứ vào mô hình thiết kế thực tế của xí nghiệp vẫn xác định được nguyên nhân cháy. Từ đó, có thể xác định được chất cháy.

Quan điểm thứ hai cho rằng, theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm lập hồ sơ vụ cháy, đánh giá hiệu quả chữa cháy, tham gia khám nghiệm hiện trường và xác định nguyên nhân gây ra cháy. Do đó, tại biên bản khám nghiệm hiện trường không xác định được nguyên nhân cháy là không đúng quy định, sau đó không thể căn cứ vào thiết kế thực tế của xí nghiệp để xác định nguyên nhân cháy và chất cháy.

Theo quan điểm của chúng tôi, nhất trí với quan điểm thứ hai bởi vì tại kết luận khám nghiệm hiện trường không xác định được nguyên nhân cháy thì khó mà xác định được chất cháy. Do đó, các dấu vết, tài liệu và mẫu giám định có ý nghĩa rất quan trọng để đưa ra kết luận giám định đúng pháp luật.

1.2.Trong vụ án có 02 người bị thương tích hay tổn hại sức khỏe nhưng 01 người từ chối giám định, không yêu cầu bồi thường thiệt hại thì Tòa án giải quyết thế nào?

Trước hết, đây là hậu quả do hành vi phạm tội gây ra nhưng chưa được cơ quan tiến hành tố tụng xác minh, điều tra cụ thể; trong khi tình tiết này có thể ảnh hưởng tới việc đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội làm cơ sở giải quyết chặt chẽ vụ án, hoặc có ý nghĩa trong áp dụng tình tiết tăng nặng định khung hình phạt. Do đó, Tòa án phải quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Tuy nhiên, người bị thương tích hay tổn hại sức khỏe vẫn giữ nguyên quan điểm từ chối giám định thì giải quyết thế nào?

Quan điểm thứ nhất, Tòa án có thể đề nghị Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trưng cầu giám định sức khỏe thông qua hồ sơ bệnh án để có căn cứ đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Nếu có kết quả giám định tỷ lệ thương tích thông qua hồ sơ bệnh án thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử.

Quan điểm thứ hai, khi Viện kiểm sát bàn giao hồ sơ cho Tòa án nhưng không có kết quả giám định tỷ lệ thương tích, vì người bị thương tích hay tổn hại sức khỏe vẫn giữ nguyên quan điểm từ chối giám định thì Tòa án vẫn đưa vụ án ra xét xử và Hội đồng xét xử tiếp tục trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Theo chúng tôi, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần; giám định để xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể phải được thực hiện trên đối tượng cần giám định. Nếu không có kết quả giám định tỷ lệ thương tích thì Tòa án vẫn đưa vụ án ra xét xử và Hội đồng xét xử tiếp tục trả hồ sơ để điều tra bổ sung là phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 174 BLHS. Sau khi trả hồ sơ để điều tra bổ sung tại phiên tòa, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra đã thuyết phục nhưng người bị thương tích hay tổn hại sức khỏe vẫn giữ nguyên quan điểm từ chối giám định. Do đó, khi nhận hồ sơ vụ án không có kết quả giám định tỷ lệ thương tích, áp dụng đúng nguyên tắc có lợi cho bị cáo thì Tòa án vẫn đưa vụ án ra xét xử bình thường, đúng quy định pháp luật, xác định tư cách tham gia tố tụng của người này là người làm chứng. Việc xác định kết quả giám định tỷ lệ thương tích thông qua hồ sơ bệnh án là không đúng quy định của pháp luật.

1.3.Khi vụ án chưa được khởi tố vụ án hình sự, nếu cơ quan điều tra ra quyết định trưng cầu giám định có hợp pháp không?

Quan điểm thứ nhất, Quyết định khởi tố vụ án hình sự là căn cứ pháp lý để cơ quan điều tra tiến hành các hoạt động điều tra vụ án. Hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định việc trưng cầu giám định chỉ được tiến hành sau khi có quyết định khởi tố. Trong trường hợp việc giám định được thực hiện trước khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự, theo đúng trình tự thủ tục do pháp luật tố tụng và Luật giám định tư pháp thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể không trưng cầu giám định nữa mà sử dụng kết luận giám định đó như kết luận giám định tư pháp.

Quan điểm thứ hai, việc giám định được thực hiện trước khi có Quyết định khởi tố vụ án hình sự, theo đúng trình tự, thủ tục do Luật Giám định tư pháp quy định thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sử dụng kết luận giám định đó là kết luận giám định tư pháp.

Theo quan điểm của chúng tôi, chưa có văn bản pháp luật nào quy định việc trưng cầu giám định chỉ được tiến hành sau khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự; tại khoản 3 Điều 32 Luật giám định tư pháp lại quy định có thể sử dụng kết luận giám định trước khi khởi tố vụ án hình sự như kết luận giám định tư pháp; vậy, căn cứ vào đâu để xem xét, đánh giá rồi chấp nhận hoặc không chấp kết luận giám định trước khi khởi tố vụ án như kết luận giám định tư pháp?

 Nhưng tại khoản 3 Điều 147 BLTTHS có quy định “Khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành một trong các hoạt động: … “Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản”. Vì vậy, theo chúng tôi cần có sự thống về nội dung này khi được quy định trong BLTTHS và Luật Giám định tư pháp “Kết luận giám định trước khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự đó là kết luận giám định tư pháp”.

1.4.Căn cứ vào kết luận giám định pháp y tâm thần bị can có năng lực trách nhiệm hình sự và Viện kiểm sát truy tố bị can. Khi Tòa án thụ lý hồ sơ thấy nghi ngờ bị can có dấu hiệu tâm thần và đề nghị giám định lại, kết quả giám định lại xác định bị can bị bệnh tâm thần, nhưng Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố thì giải quyết như thế nào?

Quan điểm thứ nhất, nếu khi thực hiện hành vi phạm tội bị can có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng khi Tòa án thụ lý hồ sơ có nghi ngờ và đề nghị giám định lại. Kết quả giám định lại xác định bị can bị bệnh tâm thần thì bị can vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ vụ án và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với bị can.

Quan điểm thứ hai, nếu có căn cứ cho rằng bị can bị bệnh tâm thần tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội như việc hàng tháng bị can dùng sổ đi nhận thuốc để uống, điều trị bệnh tâm thần … thì bị can không phải chịu trách nhiệm hình sự. Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với bị can.

Theo quan điểm của chúng tôi, cần phải xem xét, đánh giá về các nội dung sau: Nếu tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, hàng tháng bị can dùng sổ đi nhận thuốc để uống, điều trị bệnh tâm thần thì tòa án cần phải thu thập hồ sơ bệnh án tâm thần của bị can để xác định bị can đã bị bệnh tâm thần vào lúc nào, loại bệnh tâm thần gì, nguyên nhân bị bệnh này, đang dùng loại thuốc gì và tác dụng của thuốc đó. Sau khi đã có các tài liệu trên, Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử; tại phiên tòa tiếp tục trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung với yêu cầu giám định bổ sung để xác định trước, trong và sau khi thực hiện hành vi phạm tội bị cáo có bị bệnh tâm thần không, vào thời điểm cụ thể nào?

Nếu tại Kết luận giám định pháp y tâm thần xác định trước khi thực hiện hành vi phạm tội bị can không bị bệnh tâm thần nhưng bị can bị bệnh tâm thần tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội cho đến nay vẫn đang bị bệnh tâm thần, thì Tòa án căn cứ vào kết luận này để ra quyết định đình chỉ vụ án và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với bị can.

Nếu tại Kết luận giám định pháp y tâm thần xác định bị can trước đây bị bệnh tâm thần nhẹ đã được chữa khỏi, tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội bị can không bị bệnh tâm thần, sau khi thực hiện hành vi phạm tội bị can mới bị bệnh tâm thần cho đến nay vẫn đang điều trị bệnh này, như vậy, tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội bị can phải chịu trách nhiệm hình sự. Tòa án căn cứ vào kết luận giám định này ra quyết định tạm đình chỉ vụ án và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với bị can.  

1.5. Vào ngày 10 tháng 3 năm 2020, bị can A trộm cắp tài sản của công dân B thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra hình sự Công an huyện C. Vào ngày 15 tháng 3 năm 2020, bị can A tiếp tục cướp tài sản tại Ngân hàng Quân đội Chi nhánh tỉnh D thẩm quyền điều tra thuộc Cơ quan điều tra hình sự của Quân đội. Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra hình sự Công an huyện C đề nghị trưng cầu giám định pháp y tâm thần của bị can A. Tại Kết luận giám định pháp y xác định bị can A bị bệnh tâm thần. Vậy, Cơ quan điều tra hình sự của Quân đội có được sử dụng kết quả này để giải quyết vụ án cướp tài sản đối với bị can A không?

Quan điểm thứ nhất, Cơ quan điều tra hình sự của Quân đội được sử dụng Kết luận giám định pháp y tâm thần do Cơ quan điều tra hình sự Công an huyện C đề nghị trưng cầu để giải quyết vụ án cướp tài sản đối với bị can A. Bởi vì, thời điểm bị can A thực hiện hai hành vi phạm tội cách nhau khoảng thời gian ít, chỉ 5 ngày và việc giám định pháp y tâm thần theo khu vực.

Quan điểm thứ hai, Cơ quan điều tra hình sự của Quân đội không được sử dụng Kết luận giám định pháp y tâm thần do Cơ quan điều tra hình sự Công an huyện C đề nghị trưng cầu giám định để giải quyết vụ án cướp tài sản do bị can A thực hiện. Bởi vì, đây là hai vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết khác nhau, của cơ quan điều tra công an và của cơ quan điều tra quân đội, về nguyên tắc vụ án nào thì cơ quan điều tra đó đề nghị trưng cầu giám định (công an riêng, quân đội riêng).

Chúng tôi nhất trí với quan điểm thứ hai, bởi vì ngoài các lý do như quan điểm thứ hai đã nêu, đối với những vụ án bắt buộc giám định tâm thần thì phải xem xét những nguồn chứng cứ khác nhau, tội phạm khác nhau. Do đó, khi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có sự nghi ngờ về tình trạng tâm thần của bị can A, cần xác định năng lực trách nhiệm hình sự của bị can A thì bắt buộc phải trưng cầu giám định để đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của BLTTHS.

1.6. Có văn bản nào cho rằng kết luận giám định của cơ quan cấp trên có hiệu lực cao hơn kết luận giám định của cơ quan giám định cấp dưới không?

Hiện nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn nội dung này. Việc chấp nhận bản kết luận giám định nào là quyền của Hội đồng xét xử, không lệ thuộc vào Hội đồng giám định cao hơn hay thấp hơn. Nội dung này cũng rất vướng mắc, khó khăn cho Hội đồng xét xử khi xem xét, đánh giá và áp dụng kết luận giám định nào để giải quyết vụ án được chính xác, đúng pháp luật. Bởi vì, theo quy định của pháp luật thì Hội đồng xét xử không phải là cán bộ chuyên môn về nội dung trưng cầu giám định. Tuy nhiên, tại Điều 212 Bô luật TTHS quy định “… Kết luận giám định lại trong trường hợp đặc biệt được sử dụng để giải quyết vụ án”.

II.Một số kiến nghị

Thứ nhất, BLTTHS năm 2015 và Luật Giám định tư pháp năm 2020 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung. Do đó, một số văn bản pháp luật đã ban hành phải chỉnh sửa cho phù hợp với luật mới và tình hình thực tế. Để tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến giám định tư pháp, cần thiết phải có sự tổng kết, đánh giá việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trong những năm qua, rà soát sửa đổi những quy định không còn phù hợp, bổ sung những quy định mới cho phù hợp nhằm tháo gở những vướng mắc, khó khăn như đã nêu trên để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng pháp luật được chặt chẽ, thống nhất.

Thứ hai, BLTTHS năm 2015 có những sửa đổi, bổ sung so với BLTTHS năm 2003, quy định hẳn một chương về giám định và định giá tài sản đã tháo gỡ những vướng mắc cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, theo chúng tôi để quy định chặt chẽ hơn cần bổ sung vào Chương XV của BLTTHS năm 2015 một điều luật quy định: “Việc trưng cầu giám định được tiến hành trước khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự”.

Thứ ba, theo chúng tôi cần sửa đổi vào khoản 3 Điều 32** Luật Giám định tư pháp như sau: “Trong trường hợp việc giám định được thực hiện trước khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự, theo đúng trình tự, thủ tục do Luật này quy định thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sử dụng kết luận giám định đó như kết luận giám định tư pháp”.

Thứ tư, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các Bộ, ngành cần ban hành các quy trình giám định chuẩn về giám định tư pháp thuộc ngành, lĩnh vực của mình theo vụ việc và đặc thù, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng, chứng khoán, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, các tội phạm về môi trường…Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giám định ngày càng nhiều, phục vụ tốt cho việc giải quyết các vụ án hình sự được kịp thời, nhanh chóng và chính xác.

NGUYỄN TẤN TÙNG (Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5) 

Nguồn: Tạp chí Tòa án

3362

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]