Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 304, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của Bộ luật Hình sự của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao có giải thích, "vũ khí quân dụng" là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện quy định tại khoản 2 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, bao gồm:
- Súng cầm tay bao gồm: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu;
- Vũ khí hạng nhẹ bao gồm: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân;
- Vũ khí hạng nặng bao gồm: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa;
- Bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại vũ khí quy định tại các điểm a, b và c khoản này;
- Vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí quy định tại điểm a, b, c, d khoản này, không được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác quy định tại Điều 18 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để thi hành công vụ.
Điều 304 BLHS quy định tội “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” như sau:
“1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm…”.
Phân tích 4 yếu tố cấu thành tội phạm gồm:
- Chủ thể của tội phạm:
+ Người nào có đủ năng lực trách nhiệm hình sự (TNHS) và đạt độ tuổi theo luật định.
+ Điều 12 BLHS quy định người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu TNHS về tội phạm này khi có các tình tiết quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 304 BLHS (tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng).
- Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý.
- Khách thể của tội phạm: Xâm phạm an toàn xã hội bằng việc vi phạm quy định của Nhà nước về sản xuất, quản lý vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.
- Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở các loại hành vi phạm tội sau:
+ Hành vi chế tạo trái phép: là hành vi làm ra hoặc sửa chữa, lắp ráp vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự không được phép của cơ quan có thẩm quyền.
+ Hành vi tàng trữ trái phép: là cất giấu, lưu trữ vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự ở một địa điểm, một vị trí như ở nhà; phòng làm việc; trụ sở cơ quan, tổ chức; phương tiện giao thông; trong túi quần áo, túi xách… không được phép của cơ quan có thẩm quyền mà không nhằm mục đích mua bán hay chế tạo trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác hoặc vận chuyển từ nơi này đến nơi khác. Thời gian cất giữ dài hay ngắn không có ý nghĩa đối với việc định tội.
+ Hành vi vận chuyển trái phép: là chuyển dịch vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự từ địa điểm này đến các địa điểm khác khi không được phép của cơ quan có thẩm quyền và không nhằm mục đích mua bán, đối với các đối tượng đó.
+ Hành vi sử dụng trái phép: là kích hoạt các tính năng của vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khi không được phép của cơ quan có thẩm quyền.
+ Hành vi mua bán trái phép: là dùng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự là đối tượng mua bán, trao đổi bằng tiền hoặc những lợi ích vật chất khác khi không được phép của cơ quan có thẩm quyền.
+ Hành vi chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự: là bằng các thủ đoạn khác nhau để chiếm hữu trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự như trộm cắp, cướp, cướp giật, cưỡng đoạt, công nhiên chiếm đoạt, lừa đảo…
Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội thực hiện một trong các hành vi trên.
Ví dụ 1: Nguyễn Văn A có hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt bom, mìn sót lại sau chiến tranh. Có cả bom, mìn chưa bị tháo rời các bộ phận (ngòi nổ, thuốc nổ), kết quả giám định kết luận còn nguyên tính năng, tác dụng của vũ khí quân dụng và bom, mìn đã tháo rời thuốc nổ, ngòi nổ, kết quả giám định kết luận thuốc nổ, ngòi nổ vẫn còn tính năng, tác dụng của vật liệu nổ thì xác định là tội phạm vũ khí quân dụng theo Điều 304 BLHS hay tội phạm liên quan đến vật liệu nổ theo Điều 305 BLHS?
Trong hướng dẫn tại khoản 11, Điều 6 Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 304, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của Bộ luật Hình sự của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao có nêu hai hướng xử lý, cụ thể:
- Trường hợp bom, mìn chưa bị tháo rời các bộ phận (ngòi nổ, thuốc nổ), kết quả giám định kết luận còn nguyên tính năng, tác dụng của vũ khí quân dụng thì xác định phạm tội về vũ khí quân dụng quy định tại Điều 304 BLHS;
- Trường hợp bom, mìn đã tháo rời thuốc nổ, ngòi nổ, kết quả giám định kết luận thuốc nổ, ngòi nổ vẫn còn tính năng, tác dụng của vật liệu nổ thì xác định phạm tội về vật liệu nổ quy định tại Điều 305 BLHS.
Riêng đối với trường hợp có cả bom, mìn chưa bị tháo rời các bộ phận (ngòi nổ, thuốc nổ), kết quả giám định kết luận còn nguyên tính năng, tác dụng của vũ khí quân dụng và bom, mìn đã tháo rời thuốc nổ, ngòi nổ, kết quả giám định kết luận thuốc nổ, ngòi nổ vẫn còn tính năng, tác dụng của vật liệu nổ thì chưa có hướng dẫn cụ thể. Theo quan điểm của tác giả, nếu hai hành vi phạm tội của A có liên quan chặt chẽ với nhau thì A chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội và cơ quan điều tra phải xác định đúng bản chất hành vi phạm tội của A, từ đó lựa chọn tội danh cho phù hợp. Ngược lại, nếu A thực hiện hai hành vi này độc lập với nhau thì sẽ bị truy cứu cả hai tội về vũ khí quân dụng và vật liệu nổ và khi xét xử sẽ áp dụng Điều 55 BLHS để quyết định hình phạt.
Ví dụ 2: Trong quá trình điều tra, khám xét trong một số vụ án "Mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy" do Cơ quan Cảnh sát điều tra tiến hành giải quyết đã phát hiện thu giữ các loại tang vật, như: Súng tự chế; đạn thể thao; 01 viên đạn AK (kết luận giám định dùng cho súng quân dụng).
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ năm 2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã chuyển xử lý hành chính hành vi tàng trữ đối với các loại súng tự chế, đạn thể thao. Tuy nhiên, đối với hành vi tàng trữ 01 viên đạn quân dụng, còn có các quan điểm:
Quan điểm thứ nhất: Căn cứ Điều 304 BLHS và Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ thì hành vi tàng trữ 01 viên đạn quân dụng đã đủ yếu tố cấu thành tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” quy định tại khoản 1 Điều 304 BLHS.
Quan điểm thứ hai: Vận dụng hướng dẫn tại Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 07/01/1995 của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Nội vụ hướng dẫn áp dụng Điều 95, 96 Bộ luật Hình sự năm 1985 thì hành vi tàng trữ 01 viên đạn quân dụng chưa đến mức để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thi hành Điều 304 BLHS, Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 07/01/1995 là để hướng dẫn Điều 95, 96 Bộ luật Hình sự năm 1985. Như vậy, việc vận dụng Thông tư liên ngành trên áp dụng cho Điều 304 BLHS năm 2015 có còn phù hợp không?
Theo quan điểm tác giả, trường hợp trên đã thoả mãn viên đạn thuộc Vũ khí quân dụng theo điểm d, khoản 2 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017. Điều 304 BLHS không quy định mức định lượng tối thiểu của các hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự; vì vậy, hành vi tàng trữ 01 viên đạn quân dụng đã đủ yếu tố cấu thành tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” quy định tại khoản 1 Điều 304 BLHS.
Ví dụ 3: Phạm Đức V. có hành vi vận chuyển, mua bán vũ khí quân dụng qua biên giới thì định tội danh như thế nào?
Quan điểm thứ nhất: Phạm Đức V. thực hiện hành vi vận chuyển vũ khí quân dụng qua biên giới nhằm thực hiện mua bán vũ khí nên bị truy cứu TNHS về một tội “Mua bán trái phép vũ khí quân dụng” theo Điều 304 BLHS.
Quan điểm thứ hai: Phạm Đức V. vừa thực hiện hành vi vận chuyển vũ khí quân dụng, vừa thực hiện hành vi mua bán trái phép vũ khí quân dụng, các hành vi có thể thực hiện độc lập đã cấu thành từng tội độc lập. Phạm Đức V. phải truy tố theo 02 tội danh “Vận chuyển vũ khí quân dụng” và “Mua bán trái phép vũ khí quân dụng” tại Điều 304 BLHS theo nguyên tắc phạm nhiều tội.
Theo quan điểm của tác giả, hành vi vận chuyển và hành vi mua bán là các hành vi có quan hệ biện chứng với nhau, hành vi vận chuyển làm tiền đề cho hành vi mua bán, hành vi mua bán là hệ quả cho hành vi vận chuyển thì truy cứu TNHS Phạm Đức V. về một tội “Vận chuyển, mua bán trái phép vũ khí quân dụng” theo Điều 304 BLHS.
Hiện nay, quá trình áp dụng Điều 304 BLHS đã bộc lộ một số vướng mắc trong việc xử lý đối với tội danh này mà chưa có văn bản pháp luật nào hướng dẫn thay thế cho Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 07/01/1995 của Toà án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Nội vụ. Do vậy, khi tiến hành điều tra, truy tố và xét xử tội “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn áp dụng hướng dẫn tại Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 07/01/1995, mặc dù thông tư liên ngành này quy định còn chưa đầy đủ và có nhiều hạn chế. Tác giả đưa ra một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, một trong những yếu tố được sử dụng làm căn cứ để định khung hình phạt là số lượng, tuy nhiên trong điều luật không trực tiếp quy định số lượng tối thiểu là bao nhiêu gây khó khăn trong xử lý hình sự. Để khắc phục, cần nhanh chóng ban hành Nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao thay thế Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 07/01/1995, trong đó phải hướng dẫn cụ thể số lượng tối thiểu để xử lý hình sự, thế nào là“vật phạm pháp có số lượng lớn”,“vật phạm pháp có số lượng rất lớn”, “vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn” (điểm g khoản 2 Điều 304 BLHS) để làm căn cứ định khung hình phạt.
Thứ hai, Điều 304 BLHS quy định nhiều hành vi phạm tội khác nhau đối với nhiều loại đối tượng khác nhau. Vì vậy trong trường hợp bị can, bị cáo thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác nhau, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị truy cứu TNHS về một tội với tên tội danh đầy đủ các hành vi đã được thực hiện hay về nhiều tội độc lập đối với từng hành vi đã thực hiện và khi xét xử sẽ áp dụng Điều 55 BLHS để quyết định hình phạt chung, cụ thể như sau:
- Nếu người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội mà những hành vi phạm tội này liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi phạm tội này là điều kiện để thực hiện, là hậu quả tất yếu của hành vi phạm tội kia) đối với cùng nhiều đối tượng hay một đối tượng, thì chỉ bị truy cứu TNHS về một tội với tên tội danh đầy đủ các hành vi đã được thực hiện.
- Nếu người phạm tội thực hiện nhiều hành vi độc lập đối với các đối tượng độc lập khác nhau thì bị truy cứu TNHS về nhiều tội độc lập với từng hành vi độc lập đã được thực hiện và khi xét xử sẽ áp dụng Điều 55 BLHS để quyết định hình phạt chung.
Trong quá trình xét xử tội phạm về “vũ khí quân dụng” ngoài việc phải tuân thủ quy định của pháp luật hình sự về tội “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” được quy định tại Điều 304 BLHS còn phải nghiên cứu thêm văn bản pháp lý liên quan trực tiếp như Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, sửa đổi bổ sung năm 2019 và Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 07/01/1995 hướng dẫn áp dụng Điều 95 (nay là Điều 304 BLHS), Điều 96 BLHS năm 1985. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đối chiếu các văn bản pháp lý nêu trên, cho thấy hiện tại đã bộc lộ những điểm “lạc hậu”, mang tính “tùy nghi” làm ảnh hưởng đến chất lượng công tác xử lý loại tội phạm này, đòi hỏi cần phải nhanh chóng bổ sung, chỉnh sửa và hướng dẫn chi tiết trong thời gian tới để phù hợp với chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn mới, góp phần đấu tranh phòng chống có hiệu quả loại tội phạm này.
ĐẶNG THẾ THANH
Tòa án quân sự Khu vực 2 Quân khu 5
Nguồn: Lsvn.vn