12/01/2021 14:08

Một số vấn đề ủy quyền tham gia tố tụng trong các vụ án dân sự

Một số vấn đề ủy quyền tham gia tố tụng trong các vụ án dân sự

Qua công tác áp dụng giải quyết các vụ án dân sự tại Tòa án, thì việc ủy quyền trong các vụ án dân sự đã tồn tại một số vướng mắc nhất định, trong phạm vi bài viết này tác giả xin đưa ra một số vướng mắc, bất cập về nội dung ủy quyền, trường hợp chấm dứt ủy quyền và thời hạn ủy quyền.

Trong các vụ án dân sự, theo quy định đương sự có thể tự mình trực tiếp tham gia hoặc vì lý do nào đó mà ủy quyền cho người khác tham gia thay mặt mình trong các trường hợp được Tòa án triệu tập liên quan đến vụ án dân sự. Việc ủy quyền được quy định tại các Điều 85, 86, 87, 88, 89 và 90 của BLTTDS năm 2015 và các Điều 562 đến 563 của BLDS năm 2015.

1. Nội dung ủy quyền

Theo khoản 1 Điều 85 của BLTTDS năm 2015 thì người đại diện theo ủy quyền trong BLDS là người đại diện ủy quyền trong tố tụng dân sự, tuy nhiên khi xem xét BLDS năm 2015 tại Mục 13 (quy định về Hợp đồng ủy quyền) thì trong mục này không có quy định về nội dung ủy quyền cụ thể là những nội dung gì? Mà theo Điều 562 quy định “Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền”, nhưng cụ thể gồm những công việc gì? Giới hạn ra sao thì chưa có quy định cụ thể?

Ví dụ: Ông A khởi kiện bà B về việc chia di sản thừa kế của cha mẹ chết để lại là cụ N và M (cụ N chết năm 1989 và cụ M chết năm 2001, giữa cụ N và M có với nhau sáu người con), trong sáu người con đó, có bà H và ông T đang định cư sinh sống tại nước ngoài. Để đảm bảo quyền lợi của các bên đương sự Tòa án đã yêu cầu bà H và ông T có ý kiến của mình về nội dung vụ kiện, văn bản ý kiến đã được hợp thức hóa lãnh sự theo quy định. Sau khi nhận được văn bản của Tòa án, bà H và ông T có văn bản ủy quyền cho Luật sư K nhân danh mình đến Tòa án tham gia tố tụng trong vụ kiện trên. Văn bản ủy quyền có nội dung bà H và ông T ủy quyền cho Luật sư K “… được nhân danh bà H và ông T đến Tòa án tham gia tố tụng trong vụ kiện và toàn quyền quyết định, định đoạt mọi vấn đề trong vụ kiện trên, đồng thời yêu cầu Tòa án chia thừa kế theo pháp luật Việt Nam…”.

Từ ví dụ trên đã có hai quan điểm khác nhau về nội dung ủy quyền của bà H và ông T cho Luật sư K:

+ Quan điểm thứ nhất cho rằng: Nội dung ủy quyền của bà H và ông T ủy quyền cho ông K là không phù hợp với quy định của pháp luật, mà cụ thể là ông K không thể thay mặt bà H và ông T yêu cầu Tòa án chia thừa kế theo quy định của pháp luật được, bởi bà H và ông T được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ kiện, mà một khi có yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật đối với di sản của cha mẹ để lại (mà cụ thể là yêu cầu độc lập) thì về thủ tục được thực hiện theo quy định về thủ tục khởi kiện của nguyên đơn, cụ thể là trong trường hợp này bà H và ông T phải làm đơn khởi kiện đồng thời ký tên vào đơn khởi kiện của mình theo quy định tại Điều 186 BLTTDS năm 2015. Do đó, ông K không thể đại diện bà H và ông T yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ N và M để lại theo quy định của pháp luật được, cho nên nội dung ủy quyền này không hợp pháp.

+ Quan điểm thứ hai cho rằng: Nội dung ủy quyền của bà H và ông T cho ông K là đúng quy định pháp luật, bởi vì tại khoản 1 Điều 134 BLDS năm 2015 quy định “Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân nhân danh vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”, theo đó ông K đã nhân danh bà H và ông T yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật và công việc này vẫn nằm trong phạm vi ủy quyền của các bên. Hơn nữa, việc ông K làm người đại diện theo ủy quyền cho bà H và ông T không thuộc trường hợp không được làm người đại diện (Điều 87 BLTTDS năm 2015). Do đó, giao dịch bằng hình thức hợp đồng ủy quyền giữa bà H, ông T với ông K không vi phạm pháp luật nên ông K được quyền nhân danh bà H và ông T đến Tòa án yêu cầu chia thừa kế theo quy định của pháp luật, có quyền nộp đơn thay mặt bà H và ông T. Trong trường hợp ông K vượt quá phạm vi ủy quyền đã thỏa thuận với bà H và ông T thì phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Điều 143 BLDS năm 2015.

2. Trường hợp chấm dứt hợp đồng ủy quyền

Tại khoản 1 và khoản 2 Điều 569 BLDS năm 2015 đã quy định trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền, theo đó quy định hai trường hợp ủy quyền là bên ủy quyền và bên được ủy quyền muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền phải thông báo cho bên kia biết về việc đơn phương chấm dứt ủy quyền, trong trường hợp có hệ quả từ hợp đồng ủy quyền thì phải bồi thường thiệt hại theo Điều 585 BLDS năm 2015.

Tuy nhiên, trên thực tế đã có một số trường hợp chưa đủ cơ sở xác định hợp đồng ủy quyền của các bên đã chấm dứt hay chưa.

Ví dụ: Vào tháng 6/2000 bà L có bán cho bà V căn nhà cấp 4 tại số 5/15, đường Nguyễn Văn Cừ, phường An Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ với số vàng 160 lượng. Tuy nhiên sau đó cơ quan chức năng đã xác định bà V chưa đủ điều kiện mua nhà theo quy định của Luật Nhà ở hiện hành). Sau đó bà V đã khởi kiện bà L về việc tranh chấp hợp đồng mua bán nhà ở, mà cụ thể là yêu cầu bà L bồi thường cho bà số tiền đã đưa trước tương đương 80 lượng vàng.

Vụ án được giải quyết nhiều lần nhưng bị giám đốc thẩm hủy, trong quá trình giải quyết vụ án thì bị đơn bà L sang định cư tại Hoa Kỳ, sau đó bà L ủy quyền cho con rể của mình là ông K nhân danh mình đến Tòa án tham gia tố tụng trong vụ kiện trên. Tuy nhiên, đến năm 2010 ông K bị bệnh tai biến (có xác nhận của bệnh viện), không thể đi lại để tham gia tố tụng trong vụ kiện trên, nên Tòa án đã có văn bản thông báo cho bà L biết và yêu cầu bà cung cấp ý kiến của mình, sau đó phía gia đình của bà L chuyển cho Tòa án giấy xác nhận của bệnh viện (ở Hoa Kỳ) do bà L đã 85 tuổi nên không còn minh mẫn nữa để trực tiếp tham gia tố tụng hay làm ủy quyền lại cho người khác. Để xác định bà L hoặc ông K bị hạn chế năng lực hành vi hay mất năng lực hành vi dân sự theo quy định tại Điều 16 và 19 của BLDS năm 2015 thì phải có kết luận của tổ chức giám định, có yêu cầu của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thì sẽ giải quyết bằng một việc dân sự, nhưng cả phía gia đình bà L và cả phía nguyên đơn bà V đều không có yêu cầu. Cho nên việc xác định hợp đồng ủy quyền giữa bà L và ông K còn hiệu lực pháp luật hay đã chấm dứt hiện nay cũng còn nhiều quan điểm trái ngược chiều nhau, trong trường hợp ông K muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền với bà L nhưng không thể thông báo cho bà L biết, thì có bị vi phạm hợp đồng ủy quyền không.

- Quan điểm 1: Cho rằng hợp đồng ủy quyền giữa bà L và ông K vẫn hiệu lực pháp luật, bởi lẽ hiện nay pháp luật chỉ quy định đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền, khi thông báo cho bên kia biết trong khoảng thời gian hợp lý và giữa bà L và ông K chưa có yêu cầu chấm dứt hợp đồng ủy quyền giữa hai bên và Tòa án cũng chưa có quyết định về hạn chế năng lực hay mất năng lực hành vi của bà L hay ông K. Do đó, hợp đồng ủy quyền này vẫn còn hiệu lực pháp luật.

- Quan điểm 2: Cho rằng hợp đồng ủy quyền giữa bà L và ông K đã chấm dứt và không còn hiệu lực pháp luật, bởi theo quy định tại khoản 1 Điều 565 BLDS năm 2015 quy định “Thực hiện công việc theo ủy quyền và báo cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc đó”, do ông K nhận ủy quyền của bà L nhưng không thông báo tiến độ công việc cho bà L dẫn đến không hoàn thành nghĩa vụ thỏa thuận giữa hai bên nên hợp đồng ủy quyền này đương nhiên không còn hiệu lực pháp luật.

Từ hai quan điểm trên và đối chiếu với quy định của pháp luật về trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền thì pháp luật dân sự chưa quy định cụ thể về trường hợp trên. Tuy nhiên, trong hai quan điểm trên thì quan điểm 1 có lẽ phù hợp hơn, bởi lẽ pháp luật đã xác định trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền không vi phạm, đối với trường hợp trên thì chỉ khi nào bằng một quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án tuyên bố bà L hoặc ông K bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự hoặc chết thì hợp đồng ủy quyền mới hết hiệu lực pháp luật.

3. Thời gian ủy quyền

Đối với thời hạn có hiệu lực của hợp đồng ủy quyền được quy định tại Điều 563 BLDS 2015 đã xác định ba trường hợp về thời hạn ủy quyền:

- Thời hạn do các bên thỏa thuận;

- Do pháp luật quy định;

- Nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực một năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.

Tuy nhiên, khi vận dụng điều luật này trên thực tế đã xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc nhất định, cụ thể:

Chẳng hạn trong một vụ án dân sự vì một lý do nào đó thì người tham gia tố tụng không thể tham gia trực tiếp theo vụ án được và chọn ủy quyền lại cho một người nào đó, có thể là người thân hoặc cũng có thể là một luật sư… thay mặt họ để tham gia tố tụng trong vụ án và thông thường đối với các hợp đồng ủy quyền này, các bên xác định về thời hạn ủy quyền trong hợp đồng hay ghi “Thời hạn ủy quyền: Kể từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc vụ kiện bằng một bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án”. Qua đây thì thời hạn kết thúc ủy quyền đã được xác định tương đối rõ ràng là “đến khi kết thúc vụ kiện bằng một bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án”.  

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là thời gian bắt đầu vụ kiện là khi nào? Đối chiếu với các quy định của pháp luật tố tụng Dân sự cũng như BLDS hiện hành thì chưa có một quy định nào về chế định bắt đầu vụ kiện là từ khi nào? Và hiện nay trên thực tế cũng có nhiều quan điểm khác nhau về chế định này, cụ thể như sau:

Có quan điểm cho rằng thời gian bắt đầu vụ kiện là kể từ khi nguyên đơn có đơn khởi kiện cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm và yêu cầu cơ quan chức năng có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình;

Bên cạnh đó, có quan điểm khác lại cho rằng bắt đầu vụ kiện không phải từ khi người khởi kiện có đơn yêu cầu mà phải được tính từ khi cơ quan chức năng có thẩm quyền (không nhất thiết phải là Tòa án) nhận đơn của họ, và khi đó quyền lợi của họ nêu trong đơn mới được cơ quan chức năng xem xét giải quyết thì khi đó mới bắt đầu vụ kiện và họ có thể ủy quyền;

Không đồng tình với hai quan điểm trên, quan điểm khác lại cho rằng thời gian bắt đầu vụ kiện chỉ được tính từ khi Tòa án thụ lý vụ án, khi đó quyền và nghĩa vụ của các đương sự mới bắt đầu phát sinh, trước khi Tòa án thụ lý vụ án thì các việc ủy quyền không có giá trị pháp lý về mặt tố tụng.

Mặt khác, trong trường hợp các bên đương sự không có thỏa thuận về thời hạn ủy quyền và pháp luật cũng không có quy định thì pháp luật xác định thời hạn ủy quyền của các bên có hiệu lực là một năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền. Nhưng vấn đề đặt ra là “ngày xác lập việc ủy quyền” là ngày nào, cụ thể là ngày hai bên ký vào văn bản ủy quyền hay tính từ ngày được cơ quan chức năng xác nhận vào hợp đồng ủy quyền đó?

Mặt khác, trong trường hợp các bên đương sự không có thỏa thuận về thời hạn ủy quyền và pháp luật cũng không có quy định thì pháp luật xác định thời hạn ủy quyền của các bên có hiệu lực là một năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền. Nhưng vấn đề đặt ra là  “ngày xác lập việc ủy quyền” là ngày nào, cụ thể là ngày hai bên ký vào văn bản ủy quyền hay tính từ ngày được cơ quan chức năng xác nhận vào hợp đồng ủy quyền đó?

Trong trường hợp ủy quyền nếu được lập từ nước ngoài (do có đương sự ở nước ngoài) gửi về Việt Nam, để ủy quyền này có hiệu lực thì tiến hành hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định thì mới có hiệu lực pháp luật, nhưng trong hợp đồng ủy quyền này đương sự không ghi thời hạn ủy quyền thì theo quy định của Điều 563 BLDS thời hạn ủy quyền trong trường hợp này là một năm, vậy một năm được tính từ thời gian người ủy quyền ký, hay kể từ khi cơ quan chức năng của nước ngoài xác nhận? Hay được tính từ ngày hợp pháp hóa? Hay được tính từ ngày người nhận ủy quyền ký? Cho đến nay vấn đề này cũng chưa được xác định rõ ràng, bởi nếu trong trường hợp xét xử một vụ án dân sự có ủy quyền, mà tính chất vụ án phức tạp, các đương sự có liên quan có thể dựa vào đây để yêu cầu hủy án trong trường hợp quyền lợi của họ không được đảm bảo, sẽ dẫn đến nhiều vấn đề khác phát sinh và kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

Cho nên trong thời gian tới, thiết nghĩ cần có những hướng dẫn chi tiết hơn về điều luật này, qua đó đảm bảo pháp luật được áp dụng thống nhất và hạn chế việc hủy án do vi phạm tố tụng liên quan đến ủy quyền. Các nhà làm luật cần quy định cụ thể và hướng dẫn rõ ràng hơn đối với những quy định về ủy quyền như: nội dung ủy quyền, những trường hợp hợp đồng ủy quyền chấm dứt, thời hạn ủy quyền, v.v…

TRƯƠNG VŨ LINH

Nguồn: Tạp chí Tòa án

19931

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn