Theo Điều 75 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về pháp nhân thương mại thì mọi doanh nghiệp đều là pháp nhân thương mại (ngoài ra còn bao gồm các tổ chức kinh tế có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận). Do vậy, mọi doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn hoạt động trên mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh đều có thể trở thành đối tượng bị xử lý hình sự khi có hành vi vi phạm pháp luật hình sự.
Theo Điều 3 Bộ luật Hình sự 2015, pháp nhân thương mại bị xử lý theo các nguyên tắc sau:
– Mọi hành vi phạm tội do pháp nhân thương mại thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật;
– Mọi pháp nhân thương mại phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế;
– Nghiêm trị pháp nhân thương mại phạm tội dùng thủ đoạn tinh vi, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;
– Khoan hồng đối với pháp nhân thương mại tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra, chủ động ngăn chặn hoặc khắc phục hậu quả xảy ra.
Theo Điều 33 Bộ luật Hình sự 2015, pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị xử lý theo các hình phạt sau:
Hình phạt chính bao gồm: Phạt tiền; Đình chỉ hoạt động có thời hạn; Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Hình phạt bổ sung bao gồm: Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; Cấm huy động vốn; Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.
Lưu ý: Đối với mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung. Không có hình phạt tù đối với pháp nhân thương mại.
Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi hành vi có đủ các điều kiện sau đây (Điều 75 Bộ luật Hình sự 2015):
– Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;
– Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;
– Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;
– Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật Hình sự).
Thiếu một trong các điều kiện trên thì hành vi nếu có cũng không cấu thành tội phạm.
Việc xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân. Tức là có thể vừa xử lý hình sự đối với pháp nhân đồng thời xử lý hình sự đối với cá nhân cán bộ doanh nghiệp.
Do đặc thù là pháp nhân khác với thể nhân, Bộ luật Hình sự 2015 quy định danh mục các tội mà pháp nhân thương mại có thể phạm phải, bao gồm:
Điều 188 (Tội buôn lậu); Điều 189 (Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 190 (Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 191 (Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 192 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 193 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm);
Điều 194 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 195 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 196 (Tội đầu cơ); Điều 200 (Tội trốn thuế); Điều 203 (Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước);
Điều 209 (Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán); Điều 210 (Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán); Điều 211 (Tội thao túng thị trường chứng khoán); Điều 213 (Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm); Điều 216 (Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động);
Điều 217 (Tội vi phạm quy định về cạnh tranh); Điều 225 (Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan); Điều 226 (Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp); Điều 227 (Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên); Điều 232 (Tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản); Điều 234 (Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã);
Điều 235 (Tội gây ô nhiễm môi trường); Điều 237 (Tội vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường); Điều 238 (Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông); Điều 239 (Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam); Điều 242 (Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản); Điều 243 (Tội hủy hoại rừng); Điều 244 (Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm); Điều 245 (Tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên); Điều 246 (Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại).
Theo quy định tại Chương XXIX Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì đối tượng bị khởi tố là pháp nhân thương mại, ví dụ Công ty cổ phần ABC, có địa chỉ tại XYZ, song người tham gia tố tụng là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Người này sẽ không bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt giam giữ như xử lý hình sự đối với thể nhân.
Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có quyền:
a) Được thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm;
b) Được biết lý do pháp nhân mà mình đại diện bị khởi tố;
c) Được thông báo, được giải thích về quyền và nghĩa vụ của pháp nhân;
d) Được nhận quyết định khởi tố bị can đối với pháp nhân; quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với pháp nhân; quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với pháp nhân; quyết định phê chuẩn quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với pháp nhân; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp cưỡng chế; bản kết luận điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; bản cáo trạng; quyết định đưa vụ án ra xét xử; bản án, quyết định của tòa án và quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự;
đ) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại pháp nhân mà mình đại diện hoặc buộc phải thừa nhận pháp nhân mà mình đại diện có tội;
e) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
g) Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;
h) Tự bào chữa, nhờ người bào chữa cho pháp nhân;
i) Được đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa cho pháp nhân kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu;
k) Tham gia phiên tòa, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi những người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý; tranh luận tại phiên tòa;
l) Phát biểu ý kiến sau cùng trước khi nghị án;
m) Xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa;
n) Kháng cáo bản án, quyết định của tòa án;
o) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có nghĩa vụ:
– Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải;
– Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Nhằm đảm bảo thi hành án, khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại, luật quy định cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế sau đây đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử (Điều 436 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015):
a) Kê biên tài sản liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân;
b) Phong tỏa tài khoản của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân;
c) Tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân;
d) Buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án.
Thời hạn áp dụng các biện pháp cưỡng chế này không được quá thời hạn điều tra, truy tố, xét xử.
Nguồn: Luật sư Việt Nam Online