Thứ nhất, lựa chọn cẩn thận người được ủy quyền: tùy theo tính chất công việc cần ủy quyền, chúng ta sẽ xem xét về năng lực, nhân phẩm, tinh thần trách nhiệm, cách nhìn của mọi người xung quanh về người đó để đánh giá người đó có thể thực hiện tốt công việc được ủy quyền, đảm bảo lợi ích của mình hay không;
Thứ hai, các bên nên lập hợp đồng ủy quyền ngay cả khi trong trường hợp đó pháp luật không bắt buộc, đặc biệt là khi công việc có tính chất quan trọng, liên quan tài sản có giá trị lớn. Giao kết hợp đồng ủy quyền với nội dung rõ ràng về công việc được ủy quyền, thù lao ủy quyền như thế nào, cách thức thanh toán, thời hạn ủy quyền bao lâu để đảm bảo cho công việc được ủy quyền được thực hiện một cách tốt nhất, người được ủy quyền cũng nhận được thù lao tương xứng với công sức của mình nếu có thỏa thuận (căn cứ Điều 562, Điều 563 Bộ luật dân sự 2015);
Thứ ba, theo Điều 565 đến Điều 568 Bộ luật Dân sự 2015 thì pháp luật đã quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng ủy quyền nhưng để những quyền và nghĩa vụ này được đảm bảo thực hiện đúng thì các bên nên quy định một cách rõ ràng, cụ thể tại hợp đồng: nghĩa vụ thông báo tiến độ thực hiện công việc được ủy quyền, bảo quản, giữ gìn tài liệu được giao để thực hiện ủy quyền, thanh toán chi phí hợp lý mà bên được ủy quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc được ủy quyền…
Thứ tư, báo trước khi đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền:
- Nếu ủy quyền không có thù lao, các bên có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên còn lại một thời gian hợp lý;
- Nếu ủy quyền có thù lao:
Bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại;
Bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào và phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền, nếu có.
Như vậy, khi ủy quyền và nhận ủy quyền cần phải suy nghĩ cẩn thận, lựa chọn đúng người để ủy quyền, nhận công việc ủy quyền phải phù hợp với khả năng, hợp đồng ủy quyền có phù hợp với quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích của mình, đặc biệt là khi có tranh chấp xảy ra.
Điển hình, tại bản án 79/2017/DSPT ngày 21/07/2017 do Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu xét xử phúc thẩm vụ việc:
" Ngày 20/7/2015 bà N và bà G, bà H đã tiến hành ký hợp đồng ủy quyền số 343 tại Văn phòng công chứng, với nội dung: bà N ủy quyền cho bà G, bà H thay mặt quản lý, sử dụng, xây dựng cơ sở tôn giáo trên đất của Tịnh xá N.D. Thời hạn ủy quyền là 50 năm, ủy quyền không có thù lao, mục đích của việc ủy quyền nhằm phục vụ hoạt động phật sự, không có bất cứ quyền lợi gì. Việc xây dựng như thế nào, chi phí hết bao nhiêu thì bà G và bà H phải báo cho bà N biết để bà N có nghĩa vụ thanh toán. Sau khi ký hợp đồng bà N đã giao con dấu và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Tịnh xá N.D cho bà G, bà H cất giữ khi cần thì giao trả lại cho bà N.Quá trình xây dựng bà N yêu cầu phía bà G thông báo những thông tin về việc xin giấy phép xây dựng, bản thiết kế, các hạng mục chi phí xây dựng...nhưng phía bà G không thực hiện. Bà N khởi kiện ra Tòa án yêu cầu: Hủy hợp đồng ủy quyền ngày 20/7/2015 và buộc bà G, bà H trả lại con dấu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Tịnh xá N.D. Bà N đồng ý thanh toán tiền chênh lệnh giữa giá trị các công trình xây dựng mới và các công trình cũ".
Tại bản án dân sự phúc thẩm, Tòa án cũng quyết định:
Hủy hợp đồng ủy quyền lập ngày 20/7/2015 được ký giữa Tịnh xá N.D (người đại diện bà Bạch Thị N) với bà Mã Thị G, bà Nguyễn Huỳnh H;
Buộc bị đơn bà Mã Thị G, bà Nguyễn Huỳnh H phải trả lại cho Tịnh xá N.D (người đại diện bà Bạch Thị N) một con dấu mang tên Tịnh xá N.D xã T.H; một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
Tịnh xá N.D (người đại diện bà Bạch Thị N) có nghĩa vụ trả cho bà Mã Thị G, bà Nguyễn Huỳnh H tiền xây dựng các công trình trên Tịnh xá N.D tổng số tiền là 1.170.283.500 đồng;
Tịnh xá N.D (người đại diện bà Bạch Thị N) được quyền sở hữu tài sản trên đất Tịnh xá N.D.
Theo quan điểm của tác giả, trong trường hợp này không phải áp dụng hủy bỏ hợp đồng ủy quyền mà là đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền:
Thứ nhất, theo nội dung bản án phúc thẩm thì Tòa án đã áp dụng Điều 422 Bộ luật Dân sự 2015 về những trường hợp Chấm dứt hợp đồng và Điều 569 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền nhưng lại tuyên hủy hợp đồng ủy quyền là không phù hợp;
Thứ hai, trường hợp này cũng không thể áp dụng hủy bỏ hợp đồng ủy quyền: căn cứ Điều 423 Bộ luật Dân sự 2015 về các trường hợp hủy bỏ hợp đồng thì trong vụ việc mặc dù bà G và bà H đã không thực hiện nghĩa vụ thông báo tiến độ thực hiện công việc ủy quyền, không chịu giao lại con dấu và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà N khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật và thỏa thuận trong hợp đồng là vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Nhưng vi phạm này không thuộc trường hợp vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng, không đến mức làm cho bên ủy quyền không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng là phục vụ hoạt động phật sự. Bởi bà G và bà N vẫn thực hiện công việc xây dựng công trình như thỏa thuận ban đầu.
Như vậy, khi thực hiện ủy quyền cần lựa chọn người được ủy quyền một cách cẩn thận, nên lập hợp đồng ủy quyền và thỏa thuận một cách rõ ràng, cụ thể để bảo đảm quyền và lợi ích của các bên, đảm bảo cho công việc ủy quyền được hoàn thành tốt, tránh gặp phải một số tranh chấp không đáng kể dẫn đến công việc ủy quyền không hoàn thành được.