Từ khi mở cửa hội nhập, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện pháp luật về trọng tài thương mại để phù hợp với thông lệ quốc tế và tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh. Giai đoạn đầu, Nhà nước ban hành Nghị định 116-CP năm 1994 về việc tổ chức và hoạt động của Trọng tài kinh tế và Quyết định 204-TTg năm 1993 về tổ chức Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Năm 2003, Pháp lệnh Trọng tài thương mại ra đời, đánh dấu bước chuyển tiếp quan trọng, tạo nền tảng pháp lý cho trọng tài Việt Nam hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, Pháp lệnh Trọng tài thương mại 2003 vẫn bộc lộ hạn chế, dẫn đến việc ban hành Luật Trọng tài thương mại năm 2010, thay thế Pháp lệnh, hoàn thiện thể chế trọng tài. Luật Trọng tài thương mại năm 2010 phù hợp với Luật Mẫu UNCITRAL và thông lệ quốc tế.
Sau đó, nhiều văn bản pháp luật tiếp tục được ban hành, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật về trọng tài, ví dụ như Nghị định 124/2018/NĐ-CP, Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 và Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi 2014). Sau hơn 10 năm thi hành, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng cũng bộc lộ những hạn chế, đòi hỏi cần được xem xét, đánh giá và điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới.
Thứ nhất, theo quy định pháp luật, trọng tài thương mại chỉ giải quyết những tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại và trong đó ít nhất một bên phải có hoạt động thương mại. Điều này đồng nghĩa với việc không phải mọi tranh chấp đều có thể được xử lý thông qua trọng tài thương mại. Cụ thể, Điều 2 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 có quy định:
Điều 2. Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài
1. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
2. Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
3. Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài”.
Thứ hai, để tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài thương mại, các bên phải có thỏa thuận trọng tài. Khác với tòa án, nơi các bên có quyền khởi kiện mà không cần thỏa thuận trước, trọng tài thương mại yêu cầu sự đồng thuận từ trước hoặc sau khi phát sinh tranh chấp. Theo khoản 1 Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010, thỏa thuận trọng tài cần được ghi nhận trong hợp đồng hoặc lập riêng biệt sau khi xảy ra tranh chấp. Cụ thể:
Điều 5. Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài
1. Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
…
Thứ ba, phán quyết của trọng tài thương mại có tính chất chung thẩm, nghĩa là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành ngay từ ngày ban hành, trừ khi bị hủy bởi tòa án (khoản 5 Điều 61 Luật Trọng tài thương mại 2010). Một khi phán quyết được ban hành, không cơ quan tài phán nào khác có quyền xem xét lại.
Điều 61. Nội dung, hình thức và hiệu lực của phán quyết trọng tài
…
5. Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Thứ tư, các bên được tự do thỏa thuận địa điểm giải quyết tranh chấp (Điều 11 Luật Trọng tài thương mại 2010). Quy định này mang đến sự linh hoạt, giúp các bên lựa chọn địa điểm phù hợp, thuận tiện và đảm bảo tính khách quan, góp phần tạo nên ưu điểm nổi bật của phương thức trọng tài so với tòa án.
Điều 11. Địa điểm giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài
1. Các bên có quyền thỏa thuận địa điểm giải quyết tranh chấp; trường hợp không có thoả thuận thì Hội đồng trọng tài quyết định. Địa điểm giải quyết tranh chấp có thể ở trong lãnh thổ Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam.
2. Trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác, Hội đồng trọng tài có thể tiến hành phiên họp tại địa điểm được xem là thích hợp cho việc trao đổi ý kiến giữa các thành viên của Hội đồng trọng tài, việc lấy lời khai của người làm chứng, tham vấn ý kiến các chuyên gia hoặc tiến hành việc giám định hàng hoá, tài sản hoặc tài liệu khác.
Trên đây, là một số nội dung nổi bật của pháp luật Trọng tài thương mại tại Việt Nam.