Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp ngoài hệ thống tòa án, thẩm quyền của nó được thiết lập dựa trên cơ sở pháp luật và sự đồng thuận của các bên liên quan. Luật Trọng tài thương mại năm 2010 tại khoản 1, Điều 3 có định nghĩa trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua thỏa thuận giữa các bên và tuân theo các quy định của Luật này. Dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền tự quyết của các bên tranh chấp, pháp luật, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt, đã loại trừ thẩm quyền của tòa án khi các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Cụ thể, Điều 6 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 có quy định:
Điều 6. Toà án từ chối thụ lý trong trường hợp có thoả thuận trọng tài
Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được”.
Phương thức trọng tài đang ngày càng phổ biến trên thế giới và cũng đang trên đà phát triển tại Việt Nam trong những năm gần đây. Thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy, tính đến năm 2024, Việt Nam có khoảng 700 trọng tài viên và 46 trung tâm trọng tài. Số liệu này cho thấy sự quan tâm và xu hướng gia tăng về số lượng các trung tâm trọng tài tại Việt Nam.
Để thành lập một Trung tâm trọng tài, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 (khoản 1, Điều 24) quy định cần tối thiểu 5 người sáng lập là công dân Việt Nam, đồng thời tất cả họ phải đáp ứng các tiêu chuẩn của trọng tài viên theo Điều 20 của Luật này. Tuy nhiên, quy định này tồn tại một số điểm cần được xem xét và hoàn thiện:
Yêu cầu tối thiểu 5 người sáng lập được cho là chưa thực sự phù hợp. Cơ cấu quản lý của một Trung tâm trọng tài thường bao gồm Ban điều hành với tối đa 3 người (1 Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch). Hơn nữa, Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp cũng chỉ cần 3 trọng tài viên nếu các bên không có thỏa thuận khác.
Do đó, quy định 5 người sáng lập là không cần thiết cho việc vận hành và quản lý một Trung tâm trọng tài mới thành lập. Nên chăng, khoản 1 Điều 24 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 nên được điều chỉnh giảm xuống còn 3 người sáng lập. Sau khi đi vào hoạt động, Trung tâm trọng tài có thể bổ sung thêm trọng tài viên để kiện toàn cơ cấu tổ chức và phát triển. Việc giảm số lượng người sáng lập sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển của mạng lưới các trung tâm trọng tài, đáp ứng nhu cầu và mang lại nhiều lựa chọn hơn cho các bên tranh chấp.
Quy định hiện hành yêu cầu tất cả người sáng lập phải đáp ứng tiêu chuẩn của trọng tài viên. Tuy nhiên, khoản 4 Điều 27 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 lại quy định Ban điều hành của Trung tâm trọng tài bao gồm Chủ tịch (bắt buộc là trọng tài viên), một hoặc các Phó Chủ tịch, và có thể có Tổng thư ký. Như vậy, Luật không yêu cầu tất cả người sáng lập phải tham gia Ban điều hành, và chỉ Chủ tịch là bắt buộc phải là trọng tài viên. Do đó, việc yêu cầu tất cả người sáng lập đều phải đạt tiêu chuẩn trọng tài viên là không hợp lý và thiếu tính thực tiễn.
Thay vào đó, chỉ nên yêu cầu một người trong số các sáng lập viên đáp ứng tiêu chuẩn trọng tài viên và giữ chức vụ Chủ tịch Trung tâm trọng tài. Việc quy định tất cả sáng lập viên phải là trọng tài viên có thể xuất phát từ lo ngại về số lượng trọng tài viên cần thiết cho hoạt động của Trung tâm, hoặc để đảm bảo số lượng 3 trọng tài viên cho Hội đồng trọng tài trong trường hợp các bên không thỏa thuận được.
Tuy nhiên, Luật hiện hành không bắt buộc trọng tài viên của Hội đồng trọng tài phải là trọng tài viên của chính Trung tâm đó. Nếu điều lệ của Trung tâm cho phép Hội đồng trọng tài có trọng tài viên từ các trung tâm khác, thì việc chỉ cần Chủ tịch là trọng tài viên là hoàn toàn khả thi. Khi đó, Trung tâm có thể thành lập Hội đồng trọng tài với trọng tài viên từ các trung tâm khác. Để đảm bảo sự lựa chọn dễ dàng cho các bên tranh chấp, Luật có thể bổ sung quy định về điều kiện hoạt động của Trung tâm, yêu cầu phải có ít nhất 5 trọng tài viên sau khi thành lập.
Ngoài ra, Luật chưa quy định người sáng lập phải là người quản lý Trung tâm, trong khi thực tế Ban điều hành thường do họ đảm nhiệm. Do đó, Luật nên bổ sung quy định về kinh nghiệm nghề nghiệp của Chủ tịch Trung tâm, yêu cầu Chủ tịch phải là một trong các sáng lập viên và có ít nhất 2 năm kinh nghiệm hành nghề trọng tài viên hoặc đã tham gia ít nhất 2 Hội đồng trọng tài. Điều này đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tuân thủ pháp luật của Trung tâm.
Tương tự như quy định về thành lập tổ chức hành nghề luật sư (Luật Luật sư 2006, sửa đổi 2012), Luật Trọng tài thương mại cũng cần bổ sung quy định hạn chế việc một người đồng thời là sáng lập viên của nhiều Trung tâm trọng tài, nhằm tránh xung đột lợi ích và cạnh tranh không lành mạnh.