09/12/2019 08:57

Một số lưu ý khi quyết định áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt

Một số lưu ý khi quyết định áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt

THIỀU VĂN THỊNH (Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng) - Xuất phát từ yêu cầu khách quan và thực tiễn hoạt động áp dụng pháp luật trong công tác giải quyết án hình sự, góp phần giúp các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung, Tòa án nói riêng nâng cao hiệu quả trong công tác giải quyết án hình sự, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phòng ngừa, đấu tranh, chống tội phạm trong tình hình mới và yêu cầu của chiến lược cải cách tư pháp, cần phải lưu ý một số vấn đề sau khi quyết định hình phạt nhẹ luật định.

Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng là chế định thể hiện sự ưu việt của pháp luật hình sự Việt Nam, đề cao tính nhân văn, nhân đạo đối với người có hành vi phạm tội thông qua việc giảm bớt trách nhiệm hình sự bằng việc áp dụng loại hình phạt khác nhẹ hơn và mức hình phạt bị áp dụng thấp hơn so với việc người bị kết án sẽ bị áp dụng loại hình phạt, mức hình phạt nặng hơn nếu người đó bị Tòa án quyết định hình phạt trong trường hợp thông thường. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho người bị kết án nhận ra lỗi lầm, tích cực cải tạo để trở thành người có ích cho gia đình, xã hội. Tuy nhiên, do đây là một quy định mang tính chất mở nên rất cần sự đánh giá, vận dụng một cách kỹ lưỡng, thận trọng của những người giữ cán cân công lý tại các phiên tòa hình sự, bởi lẽ ranh giới đúng sai, hợp lý hay không hợp lý là rất mong manh.

1.Các căn cứ quyết định hình phạt trong trường hợp quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định

1.1.Các quy định của Bộ luật hình sự

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, đầu tiên của hoạt động định tội danh và quyết định hình phạt. Khi quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định, Tòa án phải cân nhắc một cách cẩn trọng trên cơ sở đánh giá toàn diện các quy định trong phần chung và phần các tội phạm cụ thể của BLHS cũng như tác động xã hội đối với việc áp dụng quy định này cho người bị kết án. Do đó sự tuân thủ căn cứ này nhằm đảm bảo tính thống nhất, chính xác trong thực tiễn áp dụng pháp luật của Tòa án khi xét xử.

1.2. Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội

Khi xem xét căn cứ này Tòa án phải đánh giá một cách toàn diện, khách quan về tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội để quyết định loại hình phạt, khung hình phạt phù hợp. Hai yếu tố này luôn song hành và bổ trợ cho nhau trong việc xác định về mặt “chất” – tính chất và “lượng” – mức độ. Nếu việc đánh giá mang tính khiên cưỡng, nặng về hình thức, hoặc thiên lệch (tức là coi nặng mặt chất, coi nhẹ mặt lượng hoặc ngược lại) thì sẽ rất nguy hiểm bởi lẽ khi có sự biến đổi về lượng trong một khung hình phạt đến một mức độ nhất định sẽ dẫn đến sự biến đổi về chất, nghĩa là khi hành vi nguy hiểm của người bị kết án biến đổi đến một mức độ nhất định nào đó (tăng lên hoặc giảm đi ở một mức độ đáng kể nhất định) thì sẽ cho phép Tòa án chuyển khung hình phạt (lên khung tăng nặng hoặc xuống khung giảm nhẹ liền kề hoặc xuống khung giảm nhẹ không bắt buộc phải liền kề). Do vậy, đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội sẽ là căn cứ quan trọng để xác định có hay không việc quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định.

1.3.Nhân thân người bị kết án

Đây là căn cứ không chỉ phản ánh mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà còn phản ánh khả năng cải tạo, giáo dục của người bị kết án cũng như hoàn cảnh đặc biệt của họ. Vì vậy có thể nói, căn cứ nhân thân người bị kết án chính là cơ sở để cá thể hóa hình phạt khi quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định.

1.4. Tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự

Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ không phải là yếu tố quyết định đến tính chịu trách nhiệm hình sự của người bị kết án nhưng lại là yếu tố có tính ảnh hưởng cao đến việc quyết định hình phạt đối với người bị kết án. Thông thường khi quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định, người có thẩm quyền tố tụng chỉ quan tâm đến các tình tiết giảm nhẹ, tuy nhiên, vấn đề này cần phải được loại bỏ bởi quyết định hình phạt là một hoạt động tư duy pháp luật có chủ đích của Tòa án đối với người bị kết án, trên cơ sở toàn bộ nội dung vụ án và sự đánh giá toàn diện các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng để từ đó quyết định áp dụng hay không áp dụng quy định này.

Một lưu ý quan trọng khác là khi quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định, phải hiểu đúng và đủ về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, có nghĩa là phải tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc có từ 02 tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 51 BLHS mới được quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định bất kể trường hợp nào thuộc Điều 54 BLHS. Do vậy, dù người bị kết án có rất nhiều tình tiết giảm nhẹ tại khoản 2 Điều 51 nhưng chỉ có một tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 thì được xác định là không đủ điều kiện và không được quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định. Điều này sẽ tránh tình trạng lợi dụng pháp luật để áp dụng tràn làn, thiếu căn cứ trong thực tiễn xét xử.

Tuy nhiên cũng không được hiểu xuôi chiều là cứ đủ 02 tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 điều 51 BLHS là phải quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định mà phải cân nhắc một cách thận trọng trong tương quan với các yếu tố khác, như tổng số tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng; tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội; nhân thân người bị kết án, khả năng thi hành hình phạt… để áp dụng pháp luật chính xác, đảm bảo quyền lợi của người bị kết án. Bên cạnh đó, thực tiễn hoạt động xét xử cho thấy do nhiều yếu tố tác động nên những người tiến hành tố tụng đã hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai về định lượng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ tại mỗi điểm của điều luật. Ví dụ như coi điểm s khoản 1 Điều 51 (người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải) là hai tình tiết giảm nhẹ để quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định cho người bị kết án hoặc coi điểm x khoản 1 Điều 51 là 01 tình tiết giảm nhẹ để không quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định cho người bị kết án. Vì vậy, khi áp dụng pháp luật cần lưu ý nắm chắc về kỹ thuật lập pháp của điều luật để nhận định chính xác đâu là tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ độc lập hoặc đâu là các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ ghép.

1.5.Tình hình tài sản, khả năng thi hành của người bị kết án

Đây là căn cứ mới được bổ sung trong BLHS và là bắt buộc khi quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định trong trường hợp phạt tiền đối với người bị kết án. Khi quyết định hình phạt tiền, Tòa án cần bám sát các tiêu chí cơ bản của căn cứ này bao gồm: (1) Tổng số tài sản riêng hợp pháp; (2) Tổng số tài sản chung hợp pháp; (3) Tổng số thu nhập hiện tại tính theo đơn vị ngày, tháng, hoặc năm; (4) Tài sản hợp pháp khác; (5) Việc thi hành án có ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân và gia đình người bị kết án hay không, có ảnh hưởng đến hoạt động và dẫn đến chấm dứt hoạt động của cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp mà người bị kết án có tài sản góp vốn; (6) việc quyết định hình phạt tiền đối với người bị kết án có gây khó khăn cho việc thi hành án sau này hay không…

2. Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng

Khi quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, Tòa án cần lưu ý các trường hợp sau:

2.1. Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật.

Khi nghiên cứu về kỹ thuật lập pháp của BLHS thì dễ dàng nhận thấy các điều luật được thiết kế không giống nhau về thứ tự khung hình phạt nhẹ nhất đến nặng nhất hoặc ngược lại. Do đó khi quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng theo khoản 1 Điều 54 BLHS thì cần phải hiểu khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật là khung hình phạt liền kề trước hoặc liền kề sau sau có mức hình phạt cao nhất nhẹ hơn mức hình phạt cao nhất của khung hình phạt bị truy tố.

Ngoài ra, có một số điều luật của BLHS như Điều 134: Tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; Điều 260: Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ… các khung hình phạt chính được sắp xếp không theo trật tự nào, các khung hình phạt được sắp xếp theo trật tự từ nhẹ nhất đến nặng nhất và sau khung hình phạt nặng nhất lại có thêm một khung hình phạt khác mà mức hình phạt cao nhất lại nhẹ hơn cả mức hình phạt cao nhất của khoản 1 điều luật. Ví dụ như điều 268 BLHS về tội Cản trở giao thông đường sắt được cấu trúc khung hình phạt nhẹ nhất ở khoản 1 (phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm) và tăng dần theo thứ tự đến khung hình phạt nặng nhất ở khoản 3 (phạt tù từ 07 năm đến 15 năm), nhưng ở khoản 4 thì quy định về hình phạt lại nhẹ hơn cả khoản 1 của điều luật (phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm), trong trường hợp này thì Tòa án có thể áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 54 BLHS để quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn.

2.2. Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật.

Đây là quy định mới được bổ sung tại khoản 2 Điều 54 BLHS nhằm khắc phục tình trạng “xé rào” để đảm bảo nguyên tắc công bằng khi quyết định hình phạt của Tòa án đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức, có vai trò không đáng kể trong vụ án đồng phạm, nhưng bị truy tố và xét xử ở khung hình phạt nặng cùng với các đồng phạm khác. Khi áp dụng quy định này, cần lưu ý đó là người bị kết án phải đảm bảo nguyên tắc bắt buộc là có từ 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS. Do đó khi quyết định hình phạt thì Tòa án không nhất thiết phải áp dụng mức hình phạt ở khung hình phạt liền kề nhẹ hơn mà có thể áp dụng khung hình phạt nhẹ hơn khác của điều luật được áp dụng. Ví dụ: A bị đưa ra xét xử trong vụ án Mua bán trái phép chất ma túy cùng với các bị cáo S, T, V theo quy định tại khoản 3 Điều 251 BLHS. Quá trình điều tra, xác định bị cáo A phạm tội lần đầu, là người giúp sức trong vụ án và có vai trò không đáng kể, bị cáo A có 4 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51, không có tình tiết tăng nặng nên Tòa án có thể xem xét áp dụng khoản 2 Điều 54 BLHS để quyết định một mức hình phạt ở khoản 1 Điều 251 (không phải khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật) cho bị cáo A. Như vậy bị cáo A có thể được hưởng một mức hình phạt trong khoảng từ 02 năm đến 07 năm tù so với việc bị truy tố ở khoản 3 Điều 251 có khung hình phạt từ 15 đến 20 năm tù.

2.3. Về giới hạn mức tối thiểu của loại hình phạt được áp dụng.

Trường hợp điều luật hoặc khung hình phạt áp dụng đối với bị cáo là nhẹ nhất thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đó nhưng không được phép quyết định hình phạt dưới mức hình phạt tối thiểu mà các điều luật về loại hình phạt tại phần chung của BLHS. Ví dụ: Nếu áp dụng hình phạt tiền thì không được thấp hơn mức 1 triệu đồng; nếu áp dụng hình phạt Cải tạo không giam giữ thì không được thấp hơn mức 6 tháng; nếu áp dụng hình phạt tù có thời hạn thì không được thấp hơn mức 3 tháng.

3. Quyết định hình phạt trong trường hợp chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn

Tòa án có thể quyết định chuyển sang một loại hình phạt khác nhẹ hơn loại hình phạt nhẹ nhất được quy định trong chế tài của điều luật trong trường hợp điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất đối với người bị kết án. Khi quyết định chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn cần chú ý một số vấn đề sau:

3.1. Trường hợp có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt thì Tòa án vẫn có thể chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn chứ không nhất thiết phải trong trường hợp không thể quyết định hình phạt dưới mức tối thiểu của khung hình phạt cho bị cáo (giới hạn tối thiểu của mức hình phạt). Điều này có nghĩa nếu điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất của điều luật thì việc Tòa án quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hay chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn là do sự lựa chọn của Tòa án nhưng phải đảm bảo được mục đích, hiệu quả của hình phạt đối với người bị kết án. Ví dụ: Nguyễn Văn N bị xét xử về tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo khoản 1 Điều 125 BLHS có khung hình phạt từ 06 tháng đến 03 năm tù, Nguyễn Văn N có 3 tình tiết giảm nhẹ quy định tại các điểm b, s, v khoản 1 Điều 51 BLHS nên Tòa án có thể áp dụng mức hình phạt tù từ 03 tháng đến dưới 6 tháng hoặc hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn như Phạt tiền, Cải tạo không giam giữ… đối với Nguyễn Văn N.

3.2. Khi quyết định chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn thì không bắt buộc phải chuyển sang loại hình phạt nhẹ hơn liền kề mà Tòa án có thể lựa chọn bất kỳ loại hình phạt khác nhẹ hơn. Miễn sao hình phạt đó tương xứng với hành vi phạm tội của người bị kết án, đảm bảo mục đích của hình phạt cũng như áp dụng nguyên tắc có lợi cho người bị kết án trong lượng hình. Ví dụ: Hoàng Thị T bị xét xử về tội Vứt con mới đẻ theo khoản 2 Điều 124 BLHS có khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm, khi xét xử bị cáo T có 3 tình tiết giảm nhẹ quy định tại các điểm h, i, s khoản 1 Điều 51 BLHS, ngoài ra bị cáo T là người đang bị bệnh liệt nửa người, gia đình thuộc hộ nghèo nên trong trường hợp này Tòa án có thể áp dụng hình phạt Cảnh cáo đối với bị cáo T chứ không nhất thiết phải áp dụng hình phạt tiền đối với bị cáo T bởi vì nếu áp dụng hình phạt tiền sẽ không đạt được mục đích của hình phạt do gia đình bị cáo T là hộ nghèo.

3.3. Việc quyết định chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn phải đáp ứng những điều kiện áp dụng đối với loại hình phạt đó theo quy định của điều luật về hình phạt. Ví dụ như hình phạt cảnh cáo chỉ được áp dụng đối với người bị kết án ít nghiêm trọng. Có quan điểm cho rằng phạm vi áp dụng hình phạt khác nhẹ hơn không bị ràng buộc bởi điều luật quy định về hình phạt do đây là trường hợp ngoại lệ. Theo quan điểm tác giả thì trường hợp này Tòa án có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn nhưng vẫn đảm bảo điều kiện áp dụng nếu xét thấy hành vi phạm tội tuy thuộc trường hợp không được áp dụng hình phạt đó nhưng khi áp dụng điều 54 Bộ luật hình sự thì mức độ của hành vi phạm tội đã giảm xuống đáng kể. Tuy nhiên khi áp dụng cần phải thận trọng, xem xét đầy đủ các yếu tố tác động đến việc quyết định hình phạt cũng như khả năng thi hành của người bị kết án.

4. Quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định trong một số trường hợp đặc biệt

4.1. Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt

Đầu tiên, Tòa án áp dụng Điều 54 BLHS để chuyển xuống khung hình phạt liền kề nhẹ hơn, sau đó căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội, hậu quả của hành vi phạm tội, mức độ thực hiện ý định phạm tội, những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng và mức hình phạt của khung hình phạt nhẹ hơn được áp dụng cùng với quy định về mức hình phạt tối đa trong trường hợp phạm tội chưa đạt để quyết định một hình phạt tương xứng và phù hợp.

Ví dụ: Nguyễn Thị C bị xét xử về tội giết người trong trường hợp phạm tội chưa đạt theo khoản 1 Điều 123 BLHS, đủ điều kiện để quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định, thì Tòa án áp dụng Điều 15; khoản 1 Điều 54, khoản 3 Điều 57; Điểm a, e, m, s, v khoản 1 và khoản 2 Điều 51; khoản 2 Điều 123 BLHS và có thể quyết định mức hình phạt thấp nhất đối với Nguyễn Thị C là 5 năm 3 tháng tù về tội Giết người (phạm tội chưa đạt) (tức là không quá ba phần tư mức phạt tù thấp nhất mà khoản 1 Điều 123 BLHS quy định).

4.2. Quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Với mục đích cao nhất là giáo dục, khoan hồng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nên khi quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phải dựa cơ sở tổng hòa các quy định tại Chương XII về những quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội và các quy định khác của Bộ luật hình sự để đảm bảo nguyên tắc có lợi nhất. Trường hợp người dưới 18 tuổi phạm tội thông thường thì khi quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định, Tòa án chuyển sang khung hình phạt nhẹ hơn hoặc chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn sau đó quyết định mức hình phạt ở khung hình phạt được áp dụng theo đúng quy định về quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi tại Chương XII BLHS.

Ví dụ: Nguyễn Văn X 17 tuổi và Nguyễn Văn Y 15 tuổi bị xét xử về tội Trộm cắp tài sản theo khoản 3 Điều 173 BLHS có khung hình phạt từ 07 năm đến 15 năm tù. Cả X và Y đủ điều kiện áp dụng Điều 54 BLHS năm 2015 nên Tòa án áp dụng khoản 2 Điều 173 BLHS để quyết định hình phạt đối với X và Y có khung hình phạt từ 02 năm đến 07 năm tù. Do bị cáo X 17 tuổi nên Tòa án có thể áp dụng mức hình phạt tù thấp nhất đối với X là (2×3/4) = 01 năm 6 tháng tù, đối với bị cáo Y 15 tuổi nên Tòa án có thể áp dụng mức hình phạt tù thấp nhất đối với Y là (2×1/2) = 01 năm tù. Trong trường hợp này Tòa án cũng có thể áp dụng hình phạt Cải tạo không giam giữ, án treo cho bị cáo Y hoặc hình phạt tiền, Cải tạo không giam giữ, án treo đối với bị cáo X.

Trường hợp người dưới 18 tuổi phạm tội trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt thì cũng được quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định tương tự trường hợp thông thường nhưng phải tuân thủ thêm quy định về hình phạt và nguyên tắc quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt tại Điều 99 đến 102 BLHS.

Ví dụ 1: Nguyễn Văn M 17 tuổi bị xét xử về tội Cướp tài sản trong trường hợp chuẩn bị phạm tội theo khoản 5, Điều 168 có khung hình phạt từ 01 năm đến 5 năm tù. M đủ điều kiện áp dụng khoản 1 Điều 54 BLHS nên khi quyết định hình phạt Tòa án có thể quyết định mức phạt tù 6 tháng đối M, tuy nhiên do M là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nên bị cáo M chỉ phải chịu mức hình phạt bằng một phần hai mức hình phạt trên, có nghĩa là Tòa án có thể buộc M chịu mức hình phạt 03 tháng tù.

Ví dụ 2: K 16 tuổi và L 15 tuổi bị xét xử về tội Hiếp dâm theo khoản 2 Điều 141 BLHS có khung hình phạt từ 7 – 15 năm trong trường hợp phạm chưa đạt, K và L đủ điều kiện áp dụng Điều 54 BLHS thì khi quyết định hình phạt Tòa án có thể áp dụng khoản 1 Điều 141 có mức hình phạt thấp nhất là 2 năm, tuy nhiên do bị cáo K và L là người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt nên bị cáo K chỉ phải chịu mức hình phạt (2×3/4×1/2) = 09 tháng tù, bị cáo L chỉ phải chịu mức hình phạt (2×1/2×1/3) = 04 tháng tù.

5. Một số nội dung khác khi quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định

5.1. Khi quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định nếu xác định người bị kết án về điều luật có nhiều khung hình phạt nhưng không phải là khung hình phạt nhẹ nhất mà khi đánh giá toàn diện vụ án cho thấy không thể tuyên hình phạt khác ngoài hình phạt tù nhưng cũng không nhất thiết bắt người bị kết án phải chấp hành án phạt tù thì Tòa án có thể quyết định cho họ được hưởng án treo. Tuy nhiên, trường hợp này Tòa án cần phải cân nhắc một cách thận trọng, kỹ lưỡng và phải đảm bảo 05 điều kiện để người bị kết án phạt tù được hưởng án treo theo điều 2 và 06 trường hợp không cho hưởng án treo của Điều 3 Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP, ngoài ra cũng cần hạn chế cho hưởng án treo đối với người bị kết án mà dư luận lên án, quan tâm như các tội liên quan đến sức khỏe, tính mạng của trẻ em, các tội phạm về chức vụ, tham nhũng, các tội phạm liên quan đến lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại.

Thứ hai, quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định chỉ được áp dụng đối với hình phạt chính, không áp dụng đối với hình phạt bổ sung bởi đối với hình phạt bổ sung không thể có nhiều khung hình phạt, không có quy định một khung hình phạt, không có khung hình phạt nhẹ nhất và không quy định việc chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn.

Thứ ba, trường hợp người bị kết án vừa có tình tiết giảm nhẹ, vừa có tình tiết tăng nặng thì khi quyết định hình phạt, Tòa án phải đánh giá khách quan, toàn diện ý nghĩa của từng tình tiết và nhất là không được nghiêng về tình tiết giảm nhẹ hay tăng nặng.

Thứ tư, người bị kết án có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 BLHS mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên do đây là quy định mới mang tính chất mở nên cũng rất cần Liên ngành tư pháp Trung ương có văn bản hướng dẫn chi tiết để Tòa án các cấp áp dụng pháp luật thống nhất, có hiệu quả, đảm bảo tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật hình sự đối với người bị kết án.

Nguồn: Theo Tạp chí Tòa án

1776

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]